Tiêu điểm

75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Từ tuần lễ vàng đến chung tay chống đại dịch

(VNF) - Năm 2020 này sẽ đi vào lịch sử thế giới với việc ghi dấu một cơn đại dịch lịch sử có quy mô, phạm vi và mức độ tác hại chưa từng có. Với Việt Nam càng như vậy, lại là một năm với nhiều ngày kỷ niệm lớn gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước. Cao điểm của cơn đại dịch Covid-19 giai đoạn đầu tiên diễn ra vào đúng tháng 4, là thời điểm chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước. Còn hiện nay, cao điểm của giai đoạn hai, diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945.

75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Từ tuần lễ vàng đến chung tay chống đại dịch

(Ảnh minh họa)

Chúng ta đã tận mắt trải qua hàng loạt sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong đời mình, cũng là lần đầu tiên xuất hiện từ khi thành lập nước Việt Nam mới: Có những làng xã ở nông thôn, có những con phố, ngõ, hẻm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Hải Dương… bị cách ly.

Có những bệnh viện lớn bị đóng cửa, phong tỏa. Học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài. Đường bay của hàng không quốc gia Việt Nam đi quốc tế đóng lại. Hành khách quốc tế đến Việt Nam phải cách ly. Nhiều khu cách ly tập trung được lập ra. Nhiều bệnh viện dã chiến có quy mô được xây dựng…

Đại dịch Covid-19 đã gây nên những lo âu trĩu nặng trên phạm vi toàn thế giới. Con người dễ rơi vào hai thái cực: Một là chủ quan, làm gì có thể đến mức ấy, hai là hoang mang, như sắp đối diện với tận thế.

Bây giờ, sau khi đã đi qua giai đoạn đầu của đại dịch, đang bình tĩnh và quyết liệt đối diện với giai đoạn hai còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều, chúng ta càng nhận thấy: Đại dịch là một phép thử lớn lao đối với bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết quốc gia của dân tộc ta.

Việt Nam đã từng bước khống chế, đẩy lùi đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng, chống, cả trực tiếp và gián tiếp.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các bộ ngành đã quyết liệt vào cuộc. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Người dân đoàn kết, cùng tuân thủ các biện pháp và chỉ đạo để chung sức, đồng lòng chống dịch.

Không chủ quan, không hoang mang, mà bình tĩnh và sáng tạo đi qua đại dịch là tâm thế và tư thế chung của người Việt Nam. Đó là kết quả từ những kế hoạch, phương án, hành động tập trung, quyết liệt của cả hệ thống quản lý đất nước. Đó là tinh thần đoàn kết quốc gia, đoàn kết dân tộc mà chúng ta đang trải nghiệm.

Đối diện với tai họa và thử thách, con người Việt Nam bản lĩnh càng dựng nên một tư thế đẹp đẽ hơn. Các tổ chức, các cơ quan truyền thông lớn và có uy tín toàn cầu đã đánh giá rất cao Việt Nam trong cung cách vượt qua đại dịch.

Việt Nam đứng vào tốp đầu danh sách các quốc gia ngăn chặn hiệu quả nhất tác động nguy hại của đại dịch. Chính phủ Việt Nam đứng vào tốp đầu danh sách các chính phủ được toàn dân tin tưởng.

Trong những ngày này, nhiều người lại hình dung về một hình ảnh rất đẹp, là biểu tượng cho lòng yêu nước, tình đoàn kết quốc gia, đã xuất hiện từ ngay sau ngày thành lập chính quyền mới vào mùa thu năm 1945, và lại mới được tái xuất hiện vào thời điểm chiến đấu đương đầu đại dịch ở đất nước ta hiện nay.

Sau khi thành lập chính quyền mới, đứng trước sự đe dọa của thù trong giặc ngoài, trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã được mở ra kể từ ngày 4/9/1945, chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội.

Từ các nhà tư sản dân tộc hàng đầu thời kỳ đó như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà… cho đến các thương nhân, các chủ hiệu buôn bán, các chức sắc, điền chủ, nhân sỹ và đông đảo nhân dân tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã cùng hết lòng vận động, đóng góp vàng bạc, tiền của, vật chất thiết yếu để xây dựng Quỹ Độc Lập.

Những kết quả thu được từ Tuần lễ vàng có ý nghĩa to lớn về tài chính, giúp chính quyền cách mạng vượt qua tình thế cực kỳ khó khăn, nâng cao uy tín trước dân tộc. Những kết quả ấy đã phát huy sức mạnh thống nhất toàn dân, khơi dậy tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ vững thành quả cách mạng và chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến lâu dài sau đó.

Trong quá trình đại dịch Covid-19 diễn ra hiện nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả đất nước ta lại thể hiện chung một tinh thần đoàn kết, đã dấy lên một phong trào chia sẻ, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để đương đầu và vượt qua đại dịch.

Nhiều chính sách tài chính, ngân hàng, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đã được ban hành. Các tập đoàn kinh tế và doanh nhân đã nhanh chóng có những đóng góp rất lớn và kịp thời cho công cuộc chống dịch. Trong đó, nòng cốt dẫn đầu chính là những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất đất nước hiện nay như Vingroup, Sungroup, T&T, Vietjet, HDBank, FPT…

Ngoài số tiền huy động lớn và kịp thời, các tập đoàn kinh tế tư nhân còn tham gia vào nhiều công đoạn phòng chống dịch và trực tiếp hỗ trợ đồng bào. Rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như: Nhà máy dừng sản xuất ô tô để lắp ráp khẩn trương dây chuyển sản xuất máy thở, tập trung nguồn lực và chuyên môn để nhanh chóng lập nên bệnh viện dã chiến, thiết lập các chuyến bay đưa đồng bào đang bị mắc kẹt trở về quê hương…

Những hình ảnh này đã tạo nên những ấn tượng mới thật đẹp đẽ và ấm áp về một lớp doanh nhân của thời đại mới. Đó cũng là biểu tượng của lòng yêu nước, của ý thức xã hội, trách nhiệm với cộng đồng của doanh nhân trong hành trình đồng hành với đất nước thời đại hôm nay.

Việt Nam đã có những thành quả ban đầu rất quan trọng và tin tưởng chắc chắn rằng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19. Đây sẽ là chiến thắng của cả hệ thống chính trị, của đồng lòng nhất trí toàn dân, mà cũng là chiến thắng của thành quả từ đường lối phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp, tuân theo những quy luật tất yếu.

Chủ trương đặt ra nền tảng để phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đã tạo nên những thay đổi lớn lao cả về diện mạo cùng chất lượng, bản chất của nền kinh tế đất nước. Cũng chính từ sự phát triển này, chúng ta đã tạo ra một nguồn lực hỗ trợ quan trọng để đối đầu với những khó khăn bất ý, những thảm họa khó lường trước, có quy mô toàn cầu, ảnh hưởng và đe dọa sự bền vững trong phát triển của quốc gia.

Chúng ta kỷ niệm 75 năm ra đời của nước Việt Nam mới bằng tư thế đi qua đại dịch như một biểu tượng về thống nhất và đoàn kết toàn dân. Đây cũng chính là một thời điểm để chúng ta có thêm dịp suy ngẫm thấu đáo và sâu sắc hơn về vấn đề tôn trọng quy luật phát triển, về thực túc thì binh cường, về dân cường thì nước thịnh, hướng đến chờ đón những cơ hội mới, tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước phát triển trong những chặng đường sắp đến.

Hà Nội, 20/8/2020

Tin mới lên