77% dư nợ là cho vay chuỗi giá trị nhà ở, rủi ro tập trung tại Techcombank có lớn?
Minh Tâm -
26/02/2020 20:54 (GMT+7)
(VNF) - Chia sẻ về lo ngại rủi ro tập trung tại Techcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh nói: Nếu hỏi rằng con số 77% có phải quá tập trung hay không thì "dĩ nhiên là có". Tuy nhiên ông cho rằng phải phân tách rõ hai tệp khách hàng: khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nếu phân tách rõ hai tệp khách hàng này thì con số rủi ro lại không lớn nữa.
Thêm một lần nữa, lo ngại rủi ro tập trung lại được dấy lên tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích thường kỳ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Lần này, ngày 26/2 tại TP. HCM, một chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) đã đặt câu hỏi rằng: Việc 77% dư nợ tín dụng của Techcombank nằm tại chuỗi giá trị nhà ở liệu có quá cao không, có phải quá tập trung không, trong khi Techcombank lại chia sẻ rằng ngân hàng tập trung phát triển tới 6 lĩnh vực kinh tế?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết đúng là Techcombank xác định đặt trọng tâm phát triển vào 6 lĩnh vực kinh tế (bao gồm Nhà ở, Ô tô, Dịch vụ tài chính, Du lịch & giải trí, Tiện ích & Viễn thông, FMCG - ngành hàng tiêu dùng nhanh).
Tuy nhiên, hiện nay Techcombank mới chỉ hoàn thành xây dựng nền tảng năng lực cho việc khai thác chuỗi giá trị Nhà ở. Các mảng khác, ngân hàng vẫn cần tiếp tục đầu tư và nghiên cứu.
Ông Đỗ Tuấn Anh cho rằng trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh ngân hàng nói riêng, chắc chắn phải có rủi ro. Nhưng góc nhìn của Techcombank là làm thế nào kiểm soát rủi ro để đạt được chiến lược "rủi ro thấp, lợi nhuận cao".
Vị phó tổng giám đốc cho biết thêm, trên cùng một thị trường, lựa chọn phân khúc khách hàng nào mới là quan trọng. Như Techcombank, ngân hàng chọn phân khúc khách hàng có thu nhập khá và thu nhập cao, những người có khả năng tài chính để mua nhà, thanh toán đúng hạn.
"Có tập trung hay không? Các quy định pháp luật nói chung và các quy định về quản trị rủi ro nói riêng hiện vẫn được Techcombank tuân thủ", ông Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về lo ngại rủi ro tập trung tại Techcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh nói: Nếu hỏi rằng con số 77% có phải quá tập trung hay không thì "dĩ nhiên là có". Tuy nhiên ông cho rằng phải phân tách rõ hai tệp khách hàng: khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nếu phân tách rõ hai tệp khách hàng này thì con số rủi ro lại không lớn nữa.
Theo quan điểm của người đứng đầu ban điều hành Techcombank, khách hàng cá nhân kiếm tiền từ nhiều ngành nghề khác nhau, vì vậy rủi ro bị phân tán. Ví dụ khách hàng làm nghề mua bán nhà và khách hàng làm nghề mua bán hột xoàn không "đi cùng nhau" về rủi ro: khi giá trị nhà đi xuống thì người ta lại đi mua hột xoàn và ngược lại.
Nếu loại bỏ khách hàng cá nhân thì dư nợ khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị Nhà ở của Techcombank, theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ.
Con số này mặc dù thấp hơn khá nhiều mức 77% nếu không loại bỏ khách hàng cá nhân, nhưng vị lãnh đạo này vẫn đánh giá rằng "vẫn lớn", "gấp đôi con số mong muốn hiện nay".
Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cũng chia sẻ thêm rằng, sở dĩ Techcombank đặt trọng tâm phát triển 6 lĩnh vực kinh tế là bởi 6 lĩnh vực này không đi cùng với nhau về rủi ro. Ví dụ khi nhu cầu nhà ở giảm xuống thì vẫn không tác động đáng kể đến nhu cầu mua xe hơi hoặc dịch vụ tài chính - bảo hiểm...
Vị lãnh đạo quốc tịch Hoa Kỳ gửi gắm rằng tổng giám đốc mới của Techcombank cần cố gắng phát triển 6 lĩnh vực kinh tế trên để đẩy con số rủi ro xuống thấp hơn nữa.
Được biết, tháng 9 tới đây, ông Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ kết thúc nhiệm kỳ làm Tổng giám đốc tại Techcombank và có nguyện vọng về sống gần với gia đình.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone