ACB trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận 7.636 tỷ, chuyển sàn sang HoSE

Minh Tâm - 01/06/2020 12:39 (GMT+7)

(VNF) - "Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn khi mà mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được liên tiếp điều chỉnh giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, nợ xấu có xu hướng dâng lên, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Do đó, lợi nhuận các ngân hàng có khả năng sẽ sụt giảm mạnh", HĐQT ACB nhấn mạnh. Tuy vậy, ACB vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 1,6% trong năm 2020.

VNF

Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định kinh tế thế giới có những diễn biến xấu hơn và nghiêm trọng hơn trong năm 2020 do dịch Covid-19 gây ra. Điều này tiếp tục gây nên đình đốn sản xuất kinh doanh trên diện rộng, đẩy hầu hết các nền kinh tế ở khắp các châu lục lún sâu vào suy thoái lớn chưa từng thấy kể từ chiến tranh thế giới thứ II.

"Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đã và đang tiếp tục tung ra những gói cứu trợ về tiền tệ lẫn tài khóa với quy mô lớn chưa từng có và với những giải pháp bất thường, phi truyền thống. Vào giữa tháng 5 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản 1 dự kiến GDP sẽ tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 và kịch bản 2, khoảng 3,6-4,4%", HĐQT ACB cho hay.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam sẽ là 2,7% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 2,2%.

"Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ gặp thách thức rất lớn khi mà mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được liên tiếp điều chỉnh giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, nợ xấu có xu hướng dâng lên, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Do đó, lợi nhuận các ngân hàng có khả năng sẽ sụt giảm mạnh", HĐQT ACB nhấn mạnh.

Tuy vậy, HĐQT ACB vẫn trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 1,6%, ước đạt 7.636 tỷ đồng trong năm 2020.

ACB cũng trình kế hoạch tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Một nội dung cũng rất đáng chú ý là ACB dự kiến sẽ chuyển niêm yết từ HNX sang sàn HoSE.

Lý do được phía ACB đưa ra là theo đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, HoSE sẽ được giao quản lý thị trường cổ phiếu trong khi HNX quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh.

"Theo định hướng nêu trên của Chính phủ, việc ACB chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang sàn HoSE chỉ là vấn đề thời gian. Xét vị thế của ACB là tổ chức có quy mô vốn hóa hàng đầu trên thị trường chứng khoán niêm yết và hiệu ứng chuyển sàn, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết", phía ngân hàng cho hay.

ACB cũng nêu ra một số lợi ích khi chuyển sang niêm yết sàn HoSE như: cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào các rổ chỉ số của HoSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)... từ đó có thể giúp làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu ACB và đem lại lợi ích cho các cổ đông; chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu để đo lường hiệu quả đầu tư.

Thời điểm thực hiện chuyển sàn sẽ theo quyết định của HĐQT ngân hàng.

Tại đại hội tới, HĐQT ACB cũng sẽ trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Bên cạnh đó, trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng. Lãi suất trái phiếu tính theo thị trường tại thời điểm phát hành. Mục đích phát hành nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, bổ sung vốn kinh doanh cho vay trung, dài hạn.

Cùng chuyên mục
Tin khác