Alibaba từ bỏ lợi nhuận ‘khủng’ để ủng hộ mục tiêu ‘thịnh vượng chung’ của chính quyền

Quỳnh Anh - 06/11/2021 14:49 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2020, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã đạt được doanh thu kỷ lục 498,2 tỷ NDT (77,8 tỷ USD) vào dịp mua sắm Ngày Độc thân, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng trong sự kiện năm nay, doanh thu dường như không còn là mục tiêu hàng đầu của Alibaba, thay vào đó là sự hài lòng của chính phủ Trung Quốc.

VNF
Alibaba từ bỏ lợi nhuận "khủng" trong Ngày Độc thân để ủng hộ các mục tiêu chính sách của Trung Quốc.

Trước thềm sự kiện mua sắm trực tuyến hàng năm lớn nhất của Trung Quốc vào ngày 11/11, hay còn gọi là Ngày Độc thân, tập đoàn Alibaba đã công bố 2 thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, theo Nikkei Asia.

Thứ nhất, tập đoàn này hướng về bảo vệ môi trường và ủng hộ phúc lợi xã hội, bỏ qua cơ hội tăng doanh thu trong ngày hội mua sắm 11/11 mà họ vốn là bá chủ.

Cụ thể, thay vì chỉ khuyến khích người dân tiêu dùng không kiềm chế và vung tiền mua sắm nhiều nhất có thể trong ngày độc thân, nhà điều hành Alibaba cho biết họ đang thúc giục các nhà cung cấp mở rộng phạm vi sản phẩm, chú trọng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường và người mua sắm tái chế các thiết bị gia dụng cũ, cắt giảm tiêu dùng lãng phí.

Alibaba cũng cam kết hỗ trợ những người khó khăn trong xã hội. Phía tập đoàn cho biết họ sẽ quyên góp dựa trên doanh thu bán hàng và đang yêu cầu các nhà cung cấp làm điều tương tự. Công ty cũng sẽ gây quỹ từ người tiêu dùng trên trang web của mình và giới thiệu một hệ thống tự động quyên góp một phần số tiền thu được từ một số mặt hàng.

Công ty đã thông báo vào tháng 9 rằng họ sẽ đầu tư 100 tỷ NDT (15,6 tỷ USD) vào năm 2025 để giúp đỡ những người lao động hợp đồng và xóa đói giảm nghèo, thể hiện thiện chí đóng góp cho mục tiêu xoá bớt khoảng cách giàu nghèo của chính phủ Trung Quốc.

Những thay đổi này của Alibaba được coi là động thái “lấy lòng” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mục tiêu “thịnh vượng chung”, cũng như mục tiêu giảm khí thải carbon của Trung Quốc, sau khi tập đoàn này chịu khó khăn đủ đường vì bài phát biểu có phần làm “mếch lòng” lãnh đạo của tỷ phú Jack Ma hồi cuối năm 2020.

Trong một sự kiện hồi tháng 10/2020 ở Hong Kong, Jack Ma đã chỉ trích các quy định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Và điều này dường như đã khiến chính quyền Bắc Kinh “không vui”.

Sau bài phát biểu vài ngày, Jack Ma đã bị các quan chức triệu tập. Đợt ra mắt cổ phiếu lần đầu tiên của Ant Group cũng bị huỷ bỏ và hoạt động bị giám sát chặt chẽ, sau đó là quãng thời gian dài đằng đẵng Jack Ma “biến mất” khỏi các sự kiện quan trọng – dù trước đó ông đang là tâm điểm chú ý.

Các thay đổi về chính sách từ đầu năm 2021 của Trung Quốc sau đó cũng khiến các tập đoàn của vị tỷ phú này chịu nhiều “trái đắng”. Alibaba phải chịu mức phạt cao nhất là 2,8 tỷ USD hồi tháng 4 khi phía Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền, Ant Group – “cánh tay fintech” của Jack Ma phải tái cơ cấu. Ngoài ra, các quy định mới về Internet cũng kiềm chế “gã khổng lồ” kinh doanh trực tuyến khá nhiều.

Trong bối cảnh đó, dường như Alibaba đã tự rút ra được bài học cho mình và biết cần phải đứng về phía chính sách của chính phủ để được phát triển.

Năm nay, thay vì tập trung vào doanh số bán hàng vào ngày mua sắm lớn nhất trong năm, công ty và ban lãnh đạo của Alibaba đã thể hiện sự khiêm tốn, công khai những đóng góp của mình cho xã hội với mục tiêu lấy lại lòng tin của chính quyền.

Xem thêm >> ‘Ngày Độc thân’ năm nay của Alibaba có gì đặc biệt?

 

Theo Nikkei Asia
Cùng chuyên mục
Tin khác