Ấn Độ ‘bỏ ngoài tai’ đề nghị của Mỹ về việc ngừng giao thương với Venezuela

Minh Đăng - 11/03/2019 10:55 (GMT+7)

(VNF) – Là khách hàng lớn thứ hai của Venezuela, Ấn Độ phớt lờ lời đề nghị của Mỹ về việc ngừng mua dầu của quốc gia Mỹ Latinh này.

VNF
Đặc phái viên Mỹ tại Venezuela Elliott Abrams.

Reuters ngày 11/3 dẫn lời Đặc phái viên Mỹ tại Venezuela Elliott Abrams cho biết: "Chúng tôi đã nói với họ (Ấn Độ) rằng không nên hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Maduro mà hãy đứng về phía người dân Venezuela".

Cũng theo lời ông Abrams, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đưa ra những thông điệp tương tự đối với các chính quyền khác đồng thời khuyến cáo các ngân hàng và các công ty nước ngoài nên dừng giao dịch, hợp tác với chính quyền Maduro.

Về phía Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết nước này sẽ tiếp tục các hoạt động giao thương với Venezuel và bỏ ngoài tai lời đề nghị từ phía Mỹ.

Trước đó, vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng chính trị Venezuela vào tháng 1, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin chính phủ nước này vẫn sẽ tiếp tục là một trong những nhà khẩu chính của Venezuela với doanh số khoảng 400.000 thùng/ngày.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới và là khách hàng lớn thứ hai của Venezuela. Venezuela đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, kể từ đầu năm nay sau khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của nước này.

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu dầu lớn của Venezuela. Tuy nhiên giao dịch với phía Trung Quốc không đem lại nhiều nguồn thu cho Caracas vì họ còn đang thiếu Bắc Kinh hàng tỷ USD tiền từ các khoản vay.

Venezuela từng là một trong 3 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của OPEC, nhưng sản lượng đã giảm dần trong nhiều năm qua sau sự sụp đổ của nền kinh tế và ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đến nay Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực dầu khí của Venezuela, đóng băng tài sản và cấm đi du lịch đến Mỹ nhắm vào các quan chức cấp cao của chính quyền nước này.

Vốn đã chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, Venezuela lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn kể từ khi ông Juan Guaido hồi tháng 1 tự phong là Tổng thống lâm thời của Venezuela và gọi ông Maduro là "kẻ tiếm quyền".

Mỹ cùng một số quốc gia công nhận Guaido và cam kết ủng hộ chính trị gia 35 tuổi này. Nga, Trung Quốc, Cuba và một số nước khác khẳng định Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Thách thức kinh tế đối với Venezuela càng tăng thêm khi trọng tài thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/3 ra phán quyết nói rằng Chính phủ của ông Maduro phải trả cho tập đoàn dầu khí Mỹ ConocoPhillips số tiền hơn 8 tỷ USD vì tịch thu tài sản của tập đoàn này thông qua chương trình quốc hữu hóa. Caracas có quyền kháng cáo đối với phán quyết này.

Xem thêm >> Tòa nhà 14 triệu USD của tỷ phú Ấn Độ bị san phẳng vì xây dựng trái phép

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.