Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, LPBank đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%. Sau khi thực hiện, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến đạt hơn 29,8 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 11, SeABank chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Gần về cuối năm, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thực tế, 2024 là năm các ngân hàng tập trung đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn khi đề án “Cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” đã được thông qua. Theo đề án này, tới năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu là 15.000 tỷ đồng trong khi các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, trung bình và có vốn nước ngoài là 5.000 tỷ đồng.
Giữa lúc các ngân hàng thương mại tư nhân vẫn đang “nô nức” tăng vốn thì ở phía các ngân hàng quốc doanh – nhóm đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong thực thi chính sách tiền tệ, câu chuyện tăng vốn không hề dễ dàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa quy định để Big4 ngân hàng được chủ động tăng vốn”.
Mới đây, Quốc hội đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại ngân hàng Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng. Với nguồn vốn bổ sung 20.695 tỷ đồng của cổ đông Nhà nước và nguồn lợi nhuận còn lại chưa được phân phối, Vietcombank sẽ được tăng thêm 27.666 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên 83.557 tỷ đồng,
Vietinbank cũng đang rốt ráo hoàn thành đợt tăng vốn trong quý IV/2024, dự kiến đưa vốn điều lệ lên khoảng 74.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 38% so với năm 2023.
Trong khi đó, vào tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt quyết định tăng vốn điều lệ của Agribank lên 51.639 tỷ đồng.
NHNN cũng vừa chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Như vậy, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh gặp nhiều thách thức. Năm 2018 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên một ngân hàng thương mại tư nhân là Techcombank vượt qua 2 ngân hàng quốc doanh là BIDV và Agribank để chen chân vào top 3 về vốn điều lệ. Trước đó, giai đoạn 2007 – 2017, 4 ngân hàng quốc doanh thay phiên nhau chiếm trọn 4 vị trí đầu trong bảng xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng.
Những năm sau đó, việc tăng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân diễn ra với tốc độ nhanh hơn hẳn so với nhóm quốc doanh. Tính đến hết quý III/2024, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, ở mức 79.339 tỷ đồng. Theo sau là Techcombank với vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng.
Trước thời điểm được tăng vốn mới đây, vốn điều lệ của 4 ngân hàng quốc doanh lần lượt là BIDV với 57.004 tỷ đồng, Vietcombank với 55.891 tỷ đồng, VietinBank với 53.700 tỷ đồng và Agribank với 41.269 tỷ đồng. Dù sau đó vào tháng 10/2024, Agribank đã được tăng vốn điều lệ lên 51.639 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với VPBank và Techcombank.
Với đợt tăng vốn mới, Vietcombank đã vượt qua 2 ngân hàng là VPBank với 79.339 tỷ đồng và Techcombank với 70.450 tỷ đồng để lấy lại ngôi số 1 về vốn điều lệ nhưng 3 ngân hàng quốc doanh còn lại vẫn có 1 khoảng cách xa với top đầu khối ngân hàng tư ngân
Quy mô vốn điều lệ là cấu phần đánh giá một số chỉ tiêu về an toàn hoạt động và được xem là "tấm đệm dự phòng rủi ro" của các ngân hàng. Việc không tăng vốn, trong khi tín dụng mở rộng liên tục, khiến một số chỉ tiêu an toàn của nhóm quốc doanh ở mức thấp, nhất là tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hệ số CAR của nhóm ngân hàng quốc doanh hiện dao động quanh mức 9% - 11%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân top đầu có tỷ lệ CAR 13% - 15% sau những đợt tăng vốn gần đây.
Trong phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết: “Theo quy định hiện hành, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại phải đạt từ 8% trở lên. Hệ số này được đo lường bởi công thức: Vốn tự có/tổng tài sản rủi ro (chủ yếu là dư nợ tín dụng). Điều này đồng nghĩa với việc muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng. Mỗi ngân hàng trong nhóm Big4 nếu muốn tăng trưởng 10%/năm thì phải tăng vốn mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, dù đã được đưa ra “mổ xẻ” từ nhiều năm nhưng bài toán tăng vốn của nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn còn nhiều vướng mắc. Khác với các ngân hàng tư nhân, với những ngân hàng có sự chi phối của cổ đông nhà nước, mọi quyết định tăng vốn đều phải trải qua quy trình phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền. Mà quy trình này, theo như cách ông Phạm Đức Ấn nói, tốn rất nhiều thủ tục và mất thời gian.
Trong chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Việc xây dựng một chiến lược tăng vốn dài hơi cho ngân hàng quốc doanh là rất cấp thiết bởi đây là những ‘cánh tay nối dài’ của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện nhiều mục tiêu, chẳng hạn như cấp tín dụng, tài trợ cho các công trình dự án trọng điểm của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội hay nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng như trường hợp của Vietcombank mới đây. Gánh nhiều mục tiêu như vậy nhưng vốn điều lệ lại bó hẹp khiến các ngân hàng này khó có thể mở rộng quy mô hoạt động”.
Đề cập đến một trong những giải pháp tăng vốn điều lệ của ngân hàng quốc doanh là phát hành trái phiếu, ông Nghĩa khẳng định việc phát hành trái phiếu với các ngân hàng “Big4” không khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế (Basel III), để một ngân hàng có thể phát hành vốn tier 2 (trái phiếu), ngân hàng đó cần phải duy trì một mức vốn tier 1 nhất định. Chưa kể, tiêu chuẩn quốc tế Basel III cũng không khuyến khích các ngân hàng tăng vốn tự có bằng trái phiếu bởi tính thiếu bền vững.
“Về lâu dài, nên áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Big4 từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của ngân hàng. Những quốc gia có nền công nghiệp thành công như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những quốc gia có ngân hàng thương mại đạt quy mô tài sản đứng đầu thế giới. Điều này khác với một số quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nơi quy mô ngân hàng còn khiêm tốn. Việc có một cơ chế tăng vốn linh hoạt cho các ngân hàng quốc doanh là bước đi cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu đưa ngân hàng Việt Nam lọt top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á mà Chính phủ đã đề ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.