Apax Holdings quý I: Dòng tiền kinh doanh thâm hụt, nợ vay ngày một nhiều

Việt Anh - 06/05/2021 13:55 (GMT+7)

(VNF) - Cuối quý I, dòng tiền thuần kinh doanh của Apax Holdings tiếp tục âm 45 tỷ đồng, trong khi đó dòng tiền tài chính đạt 256 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi do chênh lệch tiền vay - trả nợ ngày càng lớn.

VNF
Apax Holdings quý I: Dòng tiền kinh doanh thâm hụt, nợ vay ngày một nhiều

Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu tăng đến 93% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 466,7 tỷ đồng.

Khấu trừ giá vốn 322,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của Apax Holdings đạt gần 144 tỷ đồng, tích cực hơn số lỗ 1,2 tỷ đồng cùng kỳ do kinh doanh dưới giá vốn. Biên lãi gộp đứng ở mức 30,8%.

Trong kỳ, mặc dù doanh thu tài chính tăng đột biến lên gần 11 tỷ đồng, nhưng khoản chi phí lãi vay của Apax Holdings cũng phình to thêm 80%, lên 25,7 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt là 87,7 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng, giảm 17% và 29% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, ba tháng đầu năm Apax Holdings báo lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng. Mặc dù rất mỏng với biên lợi nhuận thuần là 0,5%, tương đương thu về 1.000 đồng mới lãi 5 đồng, tuy nhiên vẫn lạc quan so với khoản lỗ hơn 170 tỷ đồng cùng giai đoạn năm 2020.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, khác với cùng kỳ năm trước, quý I năm nay các trung tâm và trường học đã mở cửa hoạt động bình thường trong tháng 1, tháng 3, còn tháng 2 hoạt động theo chương trình online, do tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng.

Dẫu vậy, với kế hoạch kinh doanh năm 2021 là 2.900 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Apax Holdings mới chỉ hoàn thành 16% mục tiêu doanh thu và 6,8% mục tiêu lợi nhuận sau quý I.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Apax Holdings tăng nhẹ so với hồi đầu năm lên 3.465 tỷ đồng. Trong đó, tiền nhàn rỗi tăng gấp đôi lên 416 tỷ đồng (chiếm 12% tổng tài sản); các khoản phải thu ngắn hạn tăng 11% lên 1.119 tỷ đồng (32% tổng tài sản), chủ yếu do tăng khoản thu ngắn ngắn hạn khách hàng, thu ngắn hạn khác và giảm khoản trả trước cho người bán.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Apax Holdings đứng ở mức 2.411 tỷ đồng, tăng 9,5% sau ba tháng hoạt động; vốn chủ sở hữu gần như không biến động với 1.053 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có dư nợ vay là 1.427 tỷ đồng, tăng gần 32% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tăng nợ vay trái phiếu.

Dòng tiền thuần kinh doanh của Apax Holdings tiếp tục âm, đứng ở mức 45 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư là hơn 1 tỷ đồng tới từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, trong khi cùng kỳ âm 88 tỷ đồng do mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Không chỉ ngưng mở rộng quy mô doanh nghiệp, để bù đắp dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh, Apax Holdings tiếp tục gia tăng lượng tiền đi vay. Cụ thể, dòng tiền tài chính cuối quý I đạt 256 tỷ đồng, cao hơn gần 150 tỷ đồng cùng kỳ do chênh lệch từ tiền vay (524 tỷ đồng) - trả nợ (268 tỷ đồng).

Điều này cho thấy Apax Holdings vẫn đang ngày càng phụ thuộc vào việc đi vay, cũng như phụ thuộc hơn vào các chủ nợ. Và với hệ số nợ cao, lãi vay đè nặng, nguồn vốn lưu động phụ thuộc lớn vào tiền đi vay, rủi ro tài chính cho Apax Holdings rõ ràng không phải nhỏ.

Trên thị trường, kết phiên giao dịch sáng 6/5, cổ phiếu IBC giảm 200 đồng, xuống vùng 24.600 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác