Bà Nguyễn Thị Mai Thanh có 4.200 tỷ, ông Trần Hồng Minh lên ghế nóng KienlongBank
(VNF) - Ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc Fecon, Chủ tịch 21 tuổi chi 15 tỷ mua cổ phiếu, đại gia Nguyễn Thị Mai Thanh sở hữu khối tài sản “khủng”gần 4.200 tỷ đồng… là những tin tức doanh nhân đáng chú ý tuần qua.
Nữ đại gia Nguyễn Thị Mai Thanh sở hữu tài sản gần 4.200 tỷ đồng
Trong ngày 9/7, thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần mốc 1.300 điểm, mã cổ phiếu REE của CTCP Cơ điện lạnh do nữ đại gia Nguyễn Thị Mai Thanh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cũng có phiên giao dịch tích cực khi ghi nhận mức tăng 3.000đ/cổ phiếu, tương đương tăng 4,51% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 69.500đ/cổ phiếu.
Đà tăng của cổ phiếu REE trong phiên giao dịch ngày 9/7 cũng giúp khối tài sản của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 60,2 triệu cổ phiếu REE, khối tài sản của nữ đại gia 72 tuổi người Tây Ninh ghi nhận mức tăng thêm hơn 180 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản bà Mai Thanh đang trực tiếp nắm giữ có giá trị gần 4.184 tỷ đồng.
Ông Trần Hồng Minh giữ chức quyền Tổng giám đốc KienlongBank
Theo thông tin công bố từ ngân hàng, ông Trần Hồng Minh sẽ giữ quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) từ ngày 9/7/2024.
KienlongBank (UpCoM: KLB) mới đây vừa công bố quyết định của HĐQT về việc ông Trần Ngọc Minh được HĐQT bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng từ ngày 9/7/2024. Theo đó ông Trần Ngọc Minh sẽ thôi đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc kể từ ngày 9/7/2024.
Cũng theo nghị quyết được HĐQT KienlongBank công bố, ông Trần Hồng Minh, Phó tổng giám đốc sẽ giữ vai trò quyền Tổng giám đốc. Ông Hồng Minh sinh năm 1985, có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trước khi gia nhập KienlongBank, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)...
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ quyền tổng giám đốc KienlongBank, ông Hồng Minh đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh từ ngày 26/11/2022.
Chủ tịch 21 tuổi của chứng khoán Hòa Bình muốn chi 15 tỷ gom thêm cổ phiếu HBS
Ông Lê Đình Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (Mã CK: HBS) vừa đăng ký mua hơn 1,5 triệu cổ phiếu HBS nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Thời gian thực hiện từ ngày 15/7 đến 13/8/2024.
Hiện tại, ông Dương đang nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu HBS (tỷ lệ 15,15%), nếu giao dịch thành công. tỷ lệ sở hữu của ông sẽ tăng lên thành 19,71% (tương ứng với hơn 6,5 triệu cổ phiếu).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBS đã có đà tăng mạnh hơn 20% chỉ trong vòng 1 tháng qua, thiết lập mức giá 10.100 đồng/cổ phiếu ở phiên 12/7. Tạm tính theo thị giá này, số tiền ông Dương chi ra sẽ khoảng 15 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Lê Đình Dương, sinh năm 2003, được bầu làm Chủ tịch HĐQT HBS từ tháng 8/2023 khi còn chưa tròn 20 tuổi. Trước đó từ 27/10/2022-03/08/2023 ông là Phó Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc Fecon
Công ty cổ phần Fecon vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thanh không còn đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc, sau gần 6 năm giữ vai trò này. Ông vẫn giữ chức danh thành viên HĐQT.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành; ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc dự án được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 5/7/2024.
Tân CEO của Fecon sinh năm 1981, tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị Kinh doanh – Đại học Hawaii at Manoa/Shilder College of Business. Ông được giới thiệu có 14 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại các công ty và tập đoàn lớn như Fresenius VAMED Group (Cộng hòa Áo), CIMAS Engineering, AA Corporation, Ecopark, Hawee Group.... Ông Tùng gia nhập Fecon từ năm 2019.
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị truy tố vì chuyển 4,5 tỷ USD ra nước ngoài
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị Viện KSND tối cao truy tố 3 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Cơ quan tố tụng xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán. Tổng trị giá các gói trái phiếu là hơn 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.
Đặc biệt, bà Lan còn tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỷ đồng; nguồn tiền từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị cáo buộc cùng đồng phạm vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới tổng số tiền 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.000 tỷ đồng).
Hồi tháng 4, ở giai đoạn 1 vụ "đại án" nêu trên, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình. Xem chi tiết
Ông Trần Hồng Minh giữ chức quyền tổng giám đốc KienlongBank
- Ông Lương Trí Thìn thôi làm sếp Đất Xanh, Chủ tịch HDTC bị bắt 07/07/2024 01:00
- Mở doanh nghiệp bán vàng, nhân viên thuỷ sản thành tỷ phú 07/07/2024 10:00
- Shark Tam bị bắt vì trốn thuế, vụ lái lộ cổ phiếu KDM lộ 'trùm cuối' 30/06/2024 02:00
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.