Bà Trương Mỹ Lan và 12 đồng phạm đối mặt khung hình phạt lên tới tử hình

Xuân Duy - 18/12/2023 08:38 (GMT+7)

(Dân trí) - Bị cáo buộc Tham ô tài sản, Nhận hối lộ số tiền "khủng", bị can Trương Mỹ Lan và 12 đồng phạm bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

VNF

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, bà Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội Tham ô tài sản quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: H.N).

Khoản 4, Điều 253 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội chiếm đoạt số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có bị can Bị can Đỗ Thị Nhàn (57 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về tội Nhận hối lộ quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (khung hình phạt 20 năm, chung thân hoặc tử hình).

Theo cáo trạng, quá trình điều tra bà Trương Mỹ Lan không ăn năn hối cải, không thành khẩn khai báo hành vi phạm tội.

Hồ sơ vụ án xác định, dù không trực tiếp nắm quyền điều hành nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.

Từ 2012 đến 2022, SCB giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. Số tiền SCB cho nhóm bà Lan vay chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.

Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị cảnh sát truy vết phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.

Các bị can nguyên cán bộ chủ chốt của SCB bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của "nhà băng" này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém, sai phạm của SCB không bị thanh tra phát hiện, đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo cấp dưới đưa cho bị can Đỗ Thị Thanh Nhà 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên trong đoàn thanh tra.

Còn bà Nhàn bị cáo buộc nhận số tiền 5,2 triệu USD từ SCB để chỉ đạo cấp dưới báo cáo, ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của "nhà băng" này.

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác