Tài chính quốc tế

Ban hành gói cứu trợ khổng lồ, ông Biden ‘tặng’ Trung Quốc 60 tỷ USD?

(VNF) - Chương trình kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ sẽ hỗ trợ đáng kể cho các đối tác thương mại của nước này, trong đó, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, theo kết luận mới được công bố bởi công ty bảo hiểm quốc tế Euler Hermes.

Ban hành gói cứu trợ khổng lồ, ông Biden ‘tặng’ Trung Quốc 60 tỷ USD?

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 đã ký ban hành gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD với mô tả đạo luật lịch sử này sẽ "xây dựng lại sức mạnh của đất nước".

Theo kế hoạch, số tiền 1.900 tỷ USD sẽ được triển khai trong vòng 2 năm tới. Trong đó, các chuyên gia kỳ vọng rằng tổng cộng sẽ có 360 tỷ USD được chi để hỗ trợ tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, vì nền sản xuất của Mỹ chưa kịp đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh.

Trong số này, 60 tỷ USD sẽ là "món quà" dành cho Trung Quốc. Tiếp theo, Mexico là nước hưởng lợi nhiều thứ hai, thêm 45 tỷ USD hàng xuất khẩu. Đức sẽ nhận được thêm 22 tỷ USD và Anh là 16 tỷ USD, theo báo cáo của Euler Hermes.

Trước khi có chương trình kích thích kinh tế, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ ước tính đạt 115 tỷ USD trong hai năm, còn với gói kích thích này con số đó sẽ là 175 tỷ USD. Con số tương ứng của Mexico là 87 tỷ và 132 tỷ, trong khi Canada là 73 và 121 tỷ USD.

Xét theo lĩnh vực, được hưởng lợi nhiều hơn cả là các nhà sản xuất thiết bị gia dụng (tăng thêm 32 tỷ USD), máy tính và thiết bị viễn thông (30 tỷ USD) và ngành sản xuất ô tô (30 tỷ USD).

Khi xem xét lợi ích tác động đến tỷ lệ tăng trưởng thu nhập do xuất khẩu so với GDP, sáng kiến của ông Biden sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho Mexico (tăng thêm 1,7% GDP), Việt Nam (1,4%) và Ireland (1,3%).

Euler Hermes ước tính thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ tăng lên mức 4,5% GDP của nước này vào năm 2021 và 2022, mặc dù trong 5 năm qua, con số này chỉ vào khoảng 2,9%. Thêm một lý do đi tới nhận định này là việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP.

Công ty Euler Hermes cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,3% vào năm 2021 và 3,8% vào năm 2022. Trở lại với đánh giá được nêu ra hồi tháng 12, mức tăng trưởng kỳ vọng chỉ là 3,6% (năm 2021) và 3,1% (năm 2022). Sự thay đổi này có nghĩa là các hộ gia đình sẽ bắt đầu chi tiêu nhanh hơn từ các khoản tiền tiết kiệm tích lũy được trong thời kỳ khủng hoảng.

“Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngày 11/3, cùng gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn hồi tháng 3/2020 và 900 tỷ USD được phê chuẩn vào tháng 12/2020 và những gói chi tiêu quy mô nhỏ hơn khác, Mỹ sẽ phải chi hơn 5.000 tỷ USD, để cứu trợ, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Tương đương hơn 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đây được coi là một trong những chi tiêu tài chính lớn nhất trên thế giới.

Giới phân tích kỳ vọng gói cứu trợ 1.900 tỷ USD sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế.

Ông Biden từng ca ngợi gói cứu trợ này sẽ là một động lực lớn cho nền kinh tế khi tạo ra hàng triệu việc làm mới và giúp GDP tăng thêm 1.000 tỷ USD.

Xem thêm >> Nga tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik-V ngừa Covid-19

Tin mới lên