Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Một tháng gần đây, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động ("MWG") bất ngờ trở thành một trong những mã giảm mạnh nhất trên sàn HoSE, mất tới khoảng 1/3 giá trị.
Thị giá MWG sáng 2/11 có lúc xuống dưới 35.000 đồng/cổ phiếu, về mức giá từng đạt được vào tháng 7/2019. Nếu so với mức đỉnh hồi năm 2022 thì mức giảm lên tới trên 50%, dù VN-Index chỉ giảm khoảng 30%. Đây là điều gây bất ngờ bởi lâu nay, MWG vẫn được coi là một trong những doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao so với mặt bằng chung và trong thời gian dài được khối ngoại săn đón.
Điều gì khiến MWG rơi vào "cơn bĩ cực" như vậy? Đầu tiên, ai cũng thấy, là đến từ kết quả kinh doanh kém khả quan. Quý I/2023 đánh dấu sự lao dốc không phanh của lợi nhuận MWG, khi lãi ròng chỉ đạt vỏn vẹn 21 tỷ đồng, so với mức hơn 600 tỷ đồng của quý liền trước đó. Sang quý II, lãi ròng không được cải thiện, chỉ đạt 17 tỷ đồng. Đến quý III, lãi ròng tăng lên 39 tỷ đồng nhưng cũng không đáng kể so với quy mô doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong một năm trở lại đây, có thời kỳ giá cổ phiếu MWG phản ánh khá sát lợi nhuận doanh nghiệp. Sau nhịp hồi mạnh theo thị trường chung từ đáy ngắn hạn vào tháng 11/2022, cổ phiếu MWG giảm khá ngỡ ngàng từ mức giá gần 50.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2/2023 xuống dưới 40.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 1 tháng và duy trì mặt bằng giá này cho đến cuối tháng 5/2023.
Kể từ cuối tháng 5/2023, dòng tiền lớn bắt đầu được đẩy vào thị trường chứng khoán, đưa VN-Index tăng khoảng 200 điểm và trong hành trình đó, chứng khoán - bán lẻ - thép và phần nào đó là bất động sản là các ngành đi đầu xu hướng. Đứng trên góc độ phân tích cơ bản, đây là các ngành hồi phục sớm nhất nếu nền kinh tế hồi phục đáng kể. Thống kê trên thế giới cũng cho thấy, giá cổ phiếu các ngành trên thường đi đầu trong pha phục hồi của nền kinh tế, trước khi bước vào giai đoạn hưng thịnh.
Nhưng có lẽ đây là "kỳ vọng sai lầm". Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam mặc dù có đi lên nhưng hồi phục rất chậm, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản và số liệu sơ bộ về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, lợi nhuận toàn thị trường quý III/2023 vẫn đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Chính kết quả lợi nhuận quý III/2023 của MWG cũng là đại diện cho "kỳ vọng sai lầm" này và giá cổ phiếu MWG theo đó rơi về mặt bằng dưới 40.000 đồng/cổ phiếu trước sóng tăng (trong bối cảnh VN-Index cũng về mặt bằng giá trước sóng tăng 200 điểm).
Thêm vào đó, việc dòng tiền ngoại liên tục rút khỏi thị trường trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục tăng và rủi ro vẫn hiện hữu cũng làm ảnh hưởng tiêu cực mạnh hơn đến những cổ phiếu từng "kín room ngoại" như MWG. Ngoài ra, việc luôn tồn tại một lượng không nhỏ cổ phiếu ESOP giá thấp cũng tạo thêm áp lực bán nhất định khi thị giá MWG lao dốc.
Vậy bao giờ MWG qua cơn bĩ cực? Điều này chắc chắn còn tuỳ thuộc vào diễn biến chung của thị trường chứng khoán, nhưng đứng trên góc độ cơ bản, có thể thấy giá cổ phiếu MWG đã rơi về dưới vùng giá trước sóng tăng, phần nào cho thấy giá cổ phiếu đã phản ánh khá sát thực tế lợi nhuận của doanh nghiệp. Dựa trên luận điểm này, giá cổ phiếu MWG sẽ vào pha tăng trở lại khi lợi nhuận của MWG có những cải thiện rõ rệt.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, khi nói về việc giá sản phẩm Apple của chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) đang cao hơn nhiều so với các bên khác, đã khẳng định rằng sắp tới, các đối thủ sẽ phải "rên xiết" khi Apple thu hẹp chênh lệch giá lại. Sau đó, ngành bán lẻ điện thoại đã nổ ra cuộc chiến "giá rẻ hơn", bào mòn lợi nhuận của các chuỗi cửa hàng.
Mục đích của hành động này là chiếm lấy thị phần trong lúc các đối thủ (và bản thân chính MWG) gặp khó khăn do thị trường chung ảm đạm và chờ cho đến khi nền kinh tế phục hồi mạnh sẽ "hưởng thành quả".
Trên thực tế, trong quý III/2023, doanh thu của MWG đã tăng quý thứ hai liên tiếp, từ khoảng 27.100 tỷ đồng trong quý I lên 29.500 tỷ đồng trong quý II và tiếp tục tăng lên 30.300 tỷ đồng. Cái giá phải trả là tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần neo ở mức cao, trên 80%. Trước đó, suốt từ quý IV/2019 đến quý IV/2022, tỷ trọng này tại MWG đều dưới 80%, thậm chí dưới 75% trong quý IV/2022.
Nhà đầu tư đang chờ đợi sau thời kỳ "rên xiết", MWG liệu hưởng được bao nhiêu thành quả từ chiến lược chiếm thị phần này. Khi nhìn vào "kỳ vọng sai lầm" trước đó, có lẽ sẽ ít nhà đầu tư đặt cược hơn vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như MWG trong quý IV/2023. Tuy nhiên nhìn sang năm 2024, với nền lợi nhuận cực thấp của năm 2023, nhiều khả năng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ cao, là một tín hiệu tích cực với tâm lý nhà đầu tư.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.