Bảo hiểm hứng bão Yagi: Lợi nhuận bị thổi bay nhưng vẫn có điểm sáng

Ngọc Thu - 15/12/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Hàng loạt doanh nghiệp bảo hiểm đã báo lỗ và sụt giảm lợi nhuận trong quý III/2024, bất chấp doanh thu phí bảo hiểm thuần vẫn ghi nhận tăng trưởng dương.

Tổn thất lớn

Quý III/2024 khép lại với nhiều biến động trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt là trong nhóm bảo hiểm phi nhân thọ. Dù doanh thu ghi nhận những tín hiệu khởi sắc với tổng phí bảo hiểm ước đạt 56.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận của ngành lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai và các yếu tố bất lợi khác.

Xét riêng các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng trưởng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận ở phần lớn các đơn vị (9/13). Bốn doanh nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng hai chữ số từ 11% - 15%, đứng đầu là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI), theo sau là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI). Mặt khác, bốn doanh nghiệp có doanh thu thuần đi ngang hoặc sụt giảm là Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI), Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (HNX: PRE) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI).

Một nhà xưởng tại Hải Phòng bị hư hại sau cơn bão Yagi

Mặc dù doanh thu nhìn chung có xu hướng tăng trưởng, nhưng bức tranh lợi nhuận lại cho thấy một gam màu tối với sự sụt giảm đồng loạt, thậm chí là thua lỗ tại nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý nhất, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BHI) ghi nhận khoản lỗ lớn nhất (lỗ 53 tỷ đồng) tăng so với mức lỗ gần 42 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. VNR cũng không khả quan hơn khi lỗ gần 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 53 tỷ đồng. Tương tự, AIC lỗ sau thuế 39 tỷ đồng, cách xa so với khoản lợi nhuận 6,3 tỷ đồng đạt được trong quý III/2023. Các doanh nghiệp nhỏ hơn như ABI và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) lần lượt báo lỗ 16 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng trong quý III, góp phần hoàn thiện bức tranh thua lỗ của ngành.

Mặc dù không thua lỗ, 5 doanh nghiệp dưới đây ghi nhận lợi nhuận dương nhưng đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ: BMI chịu mức giảm lợi nhuận sau thuế mạnh nhất, giảm 52%, chỉ còn 51 tỷ đồng; tiếp theo là PRE (giảm 47%, đạt 25,9 tỷ đồng); Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) giảm 46%, đạt 163,7 tỷ đồng; MIG giảm 42%, đạt 24,7 tỷ đồng; Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) giảm 31%, đạt 73 tỷ đồng. Mức sụt giảm thấp nhất thuộc về PGI, khi lợi nhuận sau thuế đạt 37,5 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ.

Sự suy giảm lợi nhuận của ngành bảo hiểm bất chấp doanh thu tăng trưởng, chủ yếu đến từ chi phí bồi thường tăng đột biến do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Bão Yagi, đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc trong quý III/2024, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã phải khẩn trương thực hiện chi trả và bồi thường cho các khách hàng hiện hữu, đẩy chi phí bồi thường lên mức cao chưa từng có. Thêm vào đó, doanh thu từ hoạt động tài chính tại phần lớn doanh nghiệp cũng sụt giảm, khiến lợi nhuận càng bị bào mòn.

Theo ước tính của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngành bảo hiểm đã gánh chịu khoảng 17% thiệt hại do bão Yagi gây ra. Trước tổn thất nghiêm trọng này, BMI đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên quyết định điều chỉnh giảm 29% mục tiêu lợi nhuận của năm 2024, từ mức 377 tỷ đồng xuống còn 268 tỷ đồng, đồng thời hạ các chỉ tiêu như ROE tối thiểu và tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu. Ban lãnh đạo BIC cũng cho biết có thể điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết sau khi có đầy đủ số liệu thiệt hại liên quan đến bão Yagi. Trước mắt, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm 7% kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm, từ mức 5.570 tỷ đồng xuống còn 5.172 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn chung, hai doanh nghiệp bảo hiểm là BVH và PTI lại nổi bật với kết quả lợi nhuận tích cực, đi ngược xu hướng chung của toàn ngành. BVH ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 21,8%, đạt 561 tỷ đồng, trong khi PTI tăng 20% lên 46 tỷ đồng. Đáng nói, đây là hai doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm thuần trong quý III không đạt mức tăng trưởng dương. Theo đó, động lực chính của sự gia tăng trong lợi nhuận đến từ việc giảm chi phí bồi thường và tăng trưởng doanh thu tài chính.

Ảnh hưởng kéo dài

Các chuyên gia nhận định, quý III sẽ không phải giai đoạn duy nhất ngành bảo hiểm chịu áp lực từ chi phí bồi thường do bão Yagi. Thông thường, chi phí bồi thường có độ trễ, phụ thuộc vào quá trình giám định hiện trường và ghi nhận tổn thất. Do đó, trong quý IV và thậm chí cả đầu năm 2025, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến ngày 31/10/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường hơn 434,4 tỷ đồng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, trong khi số tiền ước tính phải chi trả bồi thường lên tới hơn 12.800 tỷ đồng (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ). Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngành có thể còn nặng nề hơn trong các kỳ kế toán sắp tới.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chuẩn bị trước bằng các nghiệp vụ trích lập dự phòng cho các sự kiện bất ngờ. Theo các chuyên gia, tổn thất mà doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hiện tại vẫn thấp hơn mức dự phòng đã tích lũy. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng rủi ro sẽ gia tăng nếu các sự kiện tương tự xảy ra liên tiếp, trước khi doanh nghiệp kịp bù đắp lại nguồn dự phòng.

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm này chính là doanh thu phí bảo hiểm đã phục hồi, ghi nhận mức tăng trưởng dương sau 5 quý liên tiếp sụt giảm. Tín hiệu này cho thấy niềm tin của người dùng đã quay trở lại ngành bảo hiểm sau cuộc khủng hoảng diễn ra trước đó. Các chuyên gia nhận định rằng niềm tin của khách hàng sẽ tiếp tục được củng cố sau bão Yagi, khi bảo hiểm đã chứng minh vai trò thiết yếu trong việc phân tán rủi ro khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Một chuyên gia trong ngành chia sẻ: “Chỉ khi rủi ro thực sự xảy ra, người dân và doanh nghiệp mới nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm”.

Trên thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển. Tại Mỹ, cơn bão Milton gây tổn thất khoảng 170 tỷ USD, trong đó có tới 125 tỷ USD được bảo hiểm bồi thường, chiếm gần 74% tổng thiệt hại. Trong khi đó, ngành bảo hiểm Việt Nam chỉ gánh chịu khoảng 17% thiệt hại từ bão Yagi.

Trước sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai do biến đổi khí hậu, giới chuyên gia cho rằng ngành bảo hiểm cần mở rộng độ phủ sóng và nâng cao nhận thức về các sản phẩm bảo hiểm để gia tăng tỷ lệ tham gia từ người dân và doanh nghiệp. Kể từ sau cuộc khủng hoảng niềm tin của ngành, cơ quan quản lý cũng như bản thân doanh nghiêp bảo hiểm đã góp sức chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều đợt thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng; trong khi các doanh nghiệp cũng củng cố nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tư vấn để gầy dựng lại niềm tin từ khách hàng.

Đề xuất phạt tới 500 triệu nếu ngân hàng gắn bảo hiểm không bắt buộc với khoản vay

Đề xuất phạt tới 500 triệu nếu ngân hàng gắn bảo hiểm không bắt buộc với khoản vay

Ngân hàng
(VNF) - Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng với vi phạm về gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.