Kiện hãng bảo hiểm ra toà: Cách để người mua nắm phần thắng

Xuân Thạch - 26/11/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù ở thế “yếu” so với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), nhưng khi cho rằng bị từ chối chi trả không thoả đáng, người tham gia đã khởi kiện các DNBH ra toà. Kết quả, đa phần các vụ kiện, người mua đều thắng kiện, các DNBH phải bồi thường hàng chục tỷ đồng

Nhiều DN bảo hiểm thua kiện, phải bồi thường hàng chục tỷ đồng

Tìm kiếm cụm từ “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” trên Cổng thông tin Toà án nhân dân Tối cao tại địa chỉ https://congbobanan.toaan.gov.vn/, trong nhiều năm vừa qua có hàng trăm bản án, quyết định của Toà án về các vụ việc khiếu kiện liên quan đến người tham gia và doanh nghiệp bảo hiểm.

Ảnh chụp màn hình từ Cổng thông tin: https://congbobanan.toaan.gov.vn/

Cụ thể, theo thống kê từ cổng thông tin này từ đầu năm 2024 đến nay có 39 bản án đã có quyết định của toà án về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 35 vụ việc phía doanh nghiệp bảo hiểm bị xử thua, và phải có trách nhiệm bồi thường cho người tham gia theo điều khoản của hợp đồng. Xét theo nghiệp vụ, việc tranh chấp diễn ra ở hầu hết các sản phẩm từ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tàu cá, xe cơ giới…

Tổng số tiền bồi thường được người tham gia yêu cầu là hơn 47 tỷ đồng, trong đó các DNBH thua kiện phải bồi thường cho người mua hơn 40 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là doanh nghiệp vướng vào nhiều vụ kiện cáo nhất khi có đến 25 vụ việc tính từ đầu năm 2024. Tất cả đều liên quan đến sản phẩm Vững tâm an, khi công ty bảo hiểm từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm sức khoẻ cho người tham gia. Tổng số tiền PTI phải bồi thường cho người tham gia sau quyết định của toà án là hơn 740 triệu đồng.

Bảo hiểm Hàng không (VNI) cũng ghi nhận số tiền người tham gia yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan đến các vụ việc tranh chấp nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá lên đến hơn 12 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) vướng vào 3 vụ kiện ở Bắc Giang, Vĩnh Long và An Giang.

Tương tự, một số hãng bảo hiểm khác cũng vướng vào các vụ việc khách hàng kiện ra toà như MIC, VBI, AIA, Bảo Việt…

Trước đó, theo thống kê trong năm 2023 thông tin công bố trên cổng thông tin của Toà án Nhân dân Tối cao, tính cả mảng bảo hiểm nhân thọ, và phi nhân thọ, có khoảng 52 vụ kiện các DNBH đã có bản án, con số này tăng gấp 3 lần so với năm 2022. Kết quả, các DNBH thua kiện đã phải bồi thường cho khách hàng gần 39 tỷ đồng.

Rất nhiều các DNBH bị khách hàng khởi kiện trong những năm vừa qua

Theo luật sư Lê Thị Kim Ngân, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm, đây chỉ số vụ việc được khởi kiện ra toà án và đã có bản án, quyết định. Những vụ việc phản ánh, kiến nghị các DNBH từ phía người tham gia lớn hơn rất nhiều, lên đến hàng ngàn vụ việc.

Đơn cử, theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm đã tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 1.000 đơn thư kiến nghị, phản ánh của người tham gia bảo hiểm. Chưa kể các vụ việc sau khi được phản ánh, trao đổi với DNBH, thông qua các kênh tư vấn viên hoặc bên thứ 3 am hiểu pháp lý, đã được giải quyết.

Lý do người tham gia đa phần thắng kiện

Lý giải cho thực trạng nêu trên, trao đổi với Đầu tư Tài chính, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH INTECO cho biết, việc bên mua bảo hiểm thắng kiện trong các vụ kiện đòi quyền lợi từ doanh nghiệp bảo hiểm, có thể giải thích về mặt logic pháp lý thông thường.

Luật sư Hà Huy Phong

Trước hết, bên mua bảo hiểm là người tiêu dùng, là bên yếu thế vì buộc phải sử dụng hợp đồng mẫu do doanh nghiệp bảo hiểm “áp đặt”, nên khi có tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, quy định tại khoản 6, Điều 404, Bộ Luật Dân sự 2015: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia (bên còn lại)”.

Điều này đặc biệt quan trọng, bởi trong hợp đồng bảo hiểm, bên soạn thảo thường cố tình “cài cắm” các điều khoản phức tạp, gây khó hiểu, không rõ ràng, và sẽ tạo bất lợi cho những người không có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực bảo hiểm. Mặc dù đây là các hợp đồng phải được Bộ Tài chính phê duyệt theo quy định của Luật.

Thứ hai, tâm lý chung bên mua bảo hiểm chỉ thực hiện việc khởi kiện trong trạng thái bất đắc dĩ, tức là sự kiện bảo hiểm đã quá rõ ràng nhưng phía doanh nghiệp bảo hiểm vẫn “cố tình” đưa ra các lý do lắt léo, không thoả đáng, coi thường khách hàng, từ chối thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp khách hàng kiện, sự kiện bảo hiểm rõ ràng và được minh chứng bằng các hình ảnh, tài liệu, biên bản khó có khả năng chối cãi, nên khi ra giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm khó có khả năng phủ nhận nghĩa vụ của mình.

Thứ ba, với sự phát triển của nền kinh tế, trình độ dân trí đã nâng cao rất nhiều, cùng sự hỗ trợ và tư vấn của các Luật sư, chuyên gia pháp lý nên khách hàng dễ dàng tìm được những điểm mạnh và ở vị thế pháp lý ngang bằng với doanh nghiệp bảo hiểm trong vụ kiện.

Người tham gia bảo hiểm dần có vị thế ngang bằng với DNBH trong các vụ kiện

Bên cạnh đó, theo Luật sư Hà Huy Phong, nhiều sự kiện bảo hiểm xảy ra, lỗi đến từ các đại lý bảo hiểm và nhân viên của công ty bảo hiểm nhưng phía DNBH cũng chối bỏ trách nhiệm, đổ hết lỗi về phía khách hàng.

Ông Phong cho rằng, việc này diễn ra khá phổ biến và tạo tâm lý bức xúc trong dư luận từ nhiều năm nay, cũng từ đó mà tạo tâm lý và nhận thức thiếu thiện cảm về các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Điều này đôi khi liên quan đến văn hoá kinh doanh, hơn là vấn đề pháp lý.

“Vấn đề này không nằm ở pháp luật, mà ở chỗ cách thức doanh nghiệp bảo hiểm đang kinh doanh trên thị trường” ông Phong nói thêm.

Tuy nhiên, những thiên kiến này không hẳn do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tạo ra hoàn toàn, mà như đã nói cũng một phần xuất phát từ các đại lý, các nhân viên kinh doanh bảo hiểm, dưới các áp lực về KPI kinh doanh hoặc một mục đích cá nhân.

Đồng thời, Luật sư Phong cũng lưu ý, phía người tham gia có ý định bảo hiểm trục lợi cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp bảo hiểm có quyền nghi ngờ những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu bất thường. Ví dụ như vụ việc mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh yêu cầu giữ hồ sơ để điều tra thêm bởi nghi ngờ trục lợi, khiến kéo dài thời gian thẩm định, chi trả bồi thường cũng có thể khiến người mua bức xúc.

“Sự thiếu sòng phẳng và tôn trọng nhau trong kinh doanh sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp, của ngành bảo hiểm và của cả người tiêu dùng, nên rất cần những giải pháp từ phía cơ quan quản lý khắc phục trong thời gian tới”, Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia về bảo hiểm và pháp lý, bất kỳ một thoả thuận dân sự nào có từ hai pháp nhân trở nên tham gia thì sẽ có những tranh chấp, kiện cáo phát sinh bởi liên quan đến lợi ích của mỗi bên. Hợp đồng bảo hiểm cũng vậy, các nguyên nhân xảy ra khiếu kiện có thể từ phía người tham gia, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc bên thứ ba có quyền và lợi ích liên quan như cơ sở y tế, bác sỹ, cơ quan công an…

Do đó, ngoài việc phía DNBH cần nâng cao trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, bên tham gia cũng cần chủ động trang bị kiến thức về bảo hiểm để tự bảo vệ chính mình, bên thứ ba liên quan làm đúng quyền và trách nhiệm thì các bên còn phải tuân thủ đúng các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các luật khác có liên quan. Có như vậy, mới có thể giảm bớt những tranh chấp, khiếu kiện, góp phần mang lại niềm tin cho thị trường bảo hiểm.

Bị khách kiện, hãng bảo hiểm liền 'quay xe', buộc phải chi tiền

Bị khách kiện, hãng bảo hiểm liền 'quay xe', buộc phải chi tiền

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Khách hàng tham gia bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện nộp hồ sơ bồi thường, nhiều trường hợp bị doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) từ chối chi trả với nhiều lý do lắt léo, không thoả đáng. Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc sau khi khách hàng khiếu kiện lên cơ quan quản lý, DNBH bất ngờ “quay xe” trả tiền
Cùng chuyên mục
Tin khác