Bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt thiên tai: Thách thức cũng là cơ hội
(VNF) - Do ảnh hưởng từ những tổn thất sau cơn bão số 3 (Yagi) khiến chi phí bồi thường, chi phí kinh doanh tăng vọt, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận giảm, thậm chí là lỗ. Mặc dù vậy theo chuyên gia, đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội cho các bên
- Thảm họa bão lũ và giá trị an toàn tài chính của bảo hiểm 14/10/2024 05:00
Cơn bão càn quét lợi nhuận bảo hiểm phi nhân thọ
Kết quả báo cáo tài chính Quý III/2024 của loạt doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, thậm trong tình trạng thua lỗ. Đây là kết quả đã được dự báo từ trước, sau khi cơn bão số 3 quét qua khiến cho tài sản của người dân và doanh nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… và các tỉnh phía Bắc thiệt hại nặng.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên báo lỗ đó chính là Bảo hiểm hàng không (VNI). Theo đó, luỹ kế 9 tháng năm 2024, VNI lỗ sau thuế hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi trên 13 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý III doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng, giảm đến hơn 45%.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán giải trình về việc chênh lệch kết quả kinh doanh quý III/2024 so với cùng kỳ, lãnh đạo VNI cho biết nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ là do ảnh hưởng từ bão Yagi, tổng chi phí bồi thường tăng mạnh, tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bảo hiểm BSH cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tiếp tục âm thêm 16 tỷ đồng trong quý III, khiến 9 tháng đầu năm doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh ảm đạm, âm hơn 18 tỷ đồng lợi nhuận.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của Bảo hiểm Ngân hàng Nông Nghiệp ABIC cũng ghi nhận lỗ trên 16 tỷ đồng, điều này khiến trong 9 tháng năm 2024, lợi nhuận sau thuế của ABIC chỉ còn hơn 130 tỷ, giảm gần 39% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Tổng Công ty bảo hiểm Quân đội (MIC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 31 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 42% so với cùng kỳ năm 2023. Bảo Minh ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm gần 52%, đạt hơn 51 tỷ đồng, con số cùng kỳ là trên 106 tỷ.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp trong nhóm đầu các DNBH phi nhân thọ, mặc dù thiệt hại chiếm phần nhiều trong tổng số tổn thất toàn ngành nhưng vẫn ghi nhận bức tranh tài chính khả quan.
Cụ thể, PVI là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chịu tổn thất nặng nề nhất nhưng trong 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 561 tỷ đồng, hoàn thành gần 115% kế hoạch 9 tháng, 75% kế hoạch năm, tăng trưởng 5,1%.
Trong quý III/2024, PJICO đạt mức lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 158 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ.
Hay như một ông lớn bảo hiểm khác là Bảo hiểm Bảo Việt, doanh thu phí bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 8.854 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng, tăng trưởng 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính, tính đến 31/10/2024, số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường do bão số 3 mới đạt 430 tỷ đồng trên tổng số gần 13.000 tỷ đồng thiệt hại. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang đẩy nhanh công tác giám định, xác định giá trị thiệt hại đối với các tài sản kỹ thuật, lên dự toán để đưa vào sửa chữa, thay thế, từ đó sẽ tạm ứng theo từng đợt, sau đó mới chi trả bồi thường theo đúng cam kết.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, trong quý III/2024 các DNBH phi nhân thọ mới chỉ ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tạm ứng bồi thường tăng. Còn con số phải bồi thường thiệt hại thực tế sau bão sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Vì vậy, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DNBH phi nhân thọ ở kỳ báo cáo sắp tới.
Thiên tai là thách thức, cũng là cơ hội
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, đối với các DNBH phi nhân thọ kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức khi các công ty bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường, trích lập dự phòng bồi thường và có thể phải sử dụng đến quỹ dự phòng dao động lớn, trực tiếp làm giảm lợi nhuận nghiệp vụ. Cùng với đó, các doanh nghiệp tái bảo hiểm như VINARE, Hanoi Re sẽ bị các nhà tái đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro thảm họa của họ.
Theo ông Tuấn, đầu tiên các DNBH dưới sức ép của việc phải tiến hành bồi thường nhanh chóng, cộng với nhiều hạng mục bảo hiểm bị thiệt hại nặng, hồ sơ giấy tờ sổ sách bị thất lạc, hư hại do bão, có thể việc đánh giá thiệt hại sẽ không được tiến hành chuẩn chỉnh đúng quy trình, dẫn đến việc số tiền chi trả không chính xác, gây bất lợi cho phía công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng phí cho các đơn bảo hiểm bị tổn thất là điều cần thiết phải làm nhưng có thể vấp phải sự phản đối của người được bảo hiểm do thiếu khả năng chi trả (việc khắc phục hậu quả sau bão vốn đã đủ tốn kém).
Riêng với mảng tái bảo hiểm, các công ty tái bảo hiểm trong nước và quốc tế sẽ chịu phần lớn thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão Yagi đối với ngành bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng đến kỳ tái tục 1/1 của các hợp đồng Tái bảo hiểm cố định khi các nhà tái đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro thảm họa của họ.
Ông Tuấn đánh giá, các công ty bảo hiểm nhóm đầu đã quản lý tốt việc tích tụ rủi ro và duy trì lợi nhuận, tuy nhiên các điều khoản tái bảo hiểm nghiêm ngặt hơn có thể dẫn tình trạng các công ty bảo hiểm sẽ giữ lại nhiều hơn, từ đó mức tổn thất giữ lại của các công ty trong tương lai sẽ tăng thêm. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả nghiệp vụ nhiều hơn so với các sự kiện trước đó và làm tăng giá phí cho các hợp đồng bảo vệ riêng cho mức phải giữ lại.
“Mặc dù Yagi là một trong những sự kiện bất thường với tần suất được đánh giá là 30 năm mới xảy ra một lần, các nhà tái có thể vẫn sẽ đưa ra yêu cầu giảm giới hạn trách nhiệm cho 1 sự kiện trong hợp đồng (event limit), nhất là trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường và mức độ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay”, ông Tuấn nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, song song với những thách thức, ở chiều ngược lại đây cũng là cơ hội cho cả DNBH và người tham gia.
Trước tiên, các công ty bảo hiểm có dịp đánh giá lại về quy trình giải quyết bồi thường hiện tại và cân nhắc đến những giải pháp giúp cải thiện hiệu quả năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và nhân lực giải quyết như đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng của đội ngũ giám định viên cũng như nghiên cứu việc sử dụng thêm yếu tố công nghệ, AI hỗ trợ trong giải quyết bồi thường…
Còn đối với người tham gia, các công ty bảo hiểm nên giúp người mua bảo hiểm đánh giá lại đúng đủ nhu cầu mua bảo hiểm của mình, vì thực tế cho thấy trong quá trình đánh giá thiệt hại của Yagi đã chỉ ra tình trạng mua bảo hiểm dưới giá trị (underinsurance) khá phổ biến, dẫn đến bản thân người mua bảo hiểm chịu thiệt thòi khi có sự kiện tổn thất xảy ra.
“Thay vì chỉ mua bảo hiểm cháy nổ, nhu cầu cho một số loại hình bảo hiểm như bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm mọi rủi ro cũng sẽ tăng. Việc này đòi hỏi công ty bảo hiểm có sự nghiên cứu kĩ càng về tình hình tài chính của người được bảo hiểm từ đó tính toán cho đầy đủ phí và trách nhiệm”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng thiên tai cũng góp phần thay đổi nhận thức về bảo hiểm, nâng cao nhu cầu của các doanh nghiệp với việc tham gia bảo hiểm nhằm bảo vệ tài sản, kinh doanh trước những rủi ro lớn có thể xảy ra. Các doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia bảo hiểm cũng sẽ có ý thức nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn cho tài sản của mình trước mức độ nghiêm trọng và bất ngờ của các sự kiện thiên tai có thể tăng lên trong thời gian tới.
Huỷ hợp đồng bảo hiểm trước hạn: DN và khách mua đều thiệt hại
- Chậm và nộp thiếu phí bảo hiểm: Tự đánh mất quyền lợi của mình 02/11/2024 03:30
- Chặn trục lợi bảo hiểm: Luật chặt chẽ, thị trường sẽ dần tốt lên 28/10/2024 02:00
- Trục lợi bảo hiểm: Kê khai thiếu trung thực, người mua chịu thiệt vì tin lời tư vấn 25/10/2024 12:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.