Gần 1 tỷ USD tái bảo hiểm chuyển ra nước ngoài
(VNF) - Doanh thu phí bảo hiểm là rất lớn, nhưng tỷ lệ thuận cũng là rủi ro cao, chính vì vậy để an toàn cho chính mình và tuân thủ các quy định của pháp luật, các DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm đều phải nhượng tái ra nước ngoài lên đến cả tỷ USD
- Bảo hiểm bồi thường 7.000 tỷ thiệt hại người và tài sản do bão lũ 13/09/2024 08:00
Gần 1 tỷ USD phải chuyển tái bảo hiểm ra nước ngoài
Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Doanh thu phí thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2024 nhờ sự hồi phục tích cực của nhóm các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân (con người, xe cơ giới). Nghiệp vụ con người/sức khỏe (tỷ trọng 35% doanh thu thị trường) đã tăng trưởng đến khoảng 24% và nghiệp vụ xe cơ giới cũng có sự hồi phục tích cực với tốc độ tăng trưởng 1.2%.
Trước đó, trong năm 2023 doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT - Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc Gia Việt Nam (VINARE) cho biết, trong tổng doanh thu phí nêu trên, khoảng 40% có nhu cầu tái bảo hiểm, còn lại 60% các DN tự xử lý được bằng dự phòng bồi thường vì nó đến từ các nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và xe cơ giới. Hai loại hình này chiếm gần 60% tỷ trọng các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
“Bảo hiểm sức khoẻ hoặc xe cơ giới có giá trị bảo hiểm từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, các DN hoàn toàn chủ động giữ lại được bằng cách tái trong nước”, ông Tuấn nói thêm.
Theo ông Tuấn, các loại bảo hiểm thương mại như tài sản, kỹ thuật, hàng hải… cho các dự án lớn đầu tư xây dựng lớn, trọng điểm quốc gia: nhiệt điện, cầu đường, sân bay… thường số tiền lớn, nên phần nhiều sẽ phải chuyển tái bảo hiểm ra nước ngoài.
“40% có nhu cầu tái bảo hiểm của tổng số hơn 71.000 tỷ đồng năm 2023, tương đương khoảng hơn 28 nghìn tỷ đồng, trong nước hiện tại có VINARE, Hanoi Re và năng lực giữ lại của các DNBH gốc chỉ được hơn 20%, còn lại hơn 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) sẽ phải tái ra nước ngoài”, ông Tuấn nêu ví dụ
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bảo hiểm chính là “bà đỡ” của nền kinh tế, muốn kinh tế phát triển bền vững phải có sự an toàn về tài chính. Tại Việt Nam, theo chủ trương chung của Chính phủ, bảo hiểm là 1 trong các ngành sẽ gắn với tỷ trọng GDP, gắn với kinh tế. Mục tiêu của chính phủ đến 2025, doanh thu phí bảo hiểm chiếm 3%, 2030 chiếm khoảng 3,5% GDP.
Và khi nền kinh tế phát triển, GDP ngày càng tăng, nếu rủi ro xảy đến, DNBH sẽ có 2 công cụ để đảm bảo khả năng thanh toán: Quỹ dự phòng bồi thường và tái bảo hiểm (tái trong nước và nhượng tái ra nước ngoài).
Bảo hiểm cũng cần sự an toàn cho chính mình
Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Anh Tuấn về việc gần 1 tỷ USD phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam phải chuyển tái ra nước ngoài. Theo ông Tuấn, thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và khu vực phát triển trên thế giới đều như vậy.
Đầu tiên, việc tái bảo hiểm giúp cho DN có đủ năng lực tài chính để đảm bảo, bảo vệ sự phát triển của DN và an toàn tài chính cho người dân. Hiện thị trường tái BH Việt Nam có 2 doanh nghiệp chuyên làm việc này là VINARE (Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) và Hanoi Re (PVI).
“Bảo hiểm cũng cần có sự an toàn cho chính họ, hiện 1 rủi ro các DNBH không được dùng quá 10% vốn chủ. Ví dụ, một DN bảo hiểm có vốn chủ hơn 3.500 tỷ, như vậy nhận rủi ro không được quá 350 tỷ trong một dự án cụ thể”, ông Tuấn chia sẻ.
Trong các dự án phát triển của Việt Nam, nhiều công trình lớn hơn con số 350 tỷ, ví dụ phát triển đường cao tốc hoặc một nhà máy, cơ sở vật chất, hàng tồn kho, bảo hiểm đến vài ngàn tỷ, do vậy một DNBH hoặc nhiều DN trong nước cũng không thể bảo hiểm được tất cả, chính vì vậy họ phải thu xếp 1 chỗ khác hỗ trợ việc đó, đó là tái bảo hiểm nhằm đảm bảo khả năng bồi thường nếu không may rủi ro xảy ra.
Thứ hai, đây là một cách thu hút gián tiếp vốn đầu tư nước ngoài, để hỗ trợ cho nền tài chính, kinh tế của Việt Nam, chuyển giao rủi ro cho các bên liên quan ở nước ngoài. Tuy nhiên, các rủi ro được chuyển giao đòi hỏi có chất lượng, phải là rủi ro tốt, đảm bảo thì nước ngoài họ mới nhận.
“Với một DNBH chuyên tái, khi nhận rủi ro họ sẽ thẩm định, tốt thì nhận nhiều, không tốt nhận ít, hoặc rủi ro quá thì không nhận”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, GDP ngày càng tăng thêm, tỷ lệ 20% phí bảo hiểm giữ lại, còn phải nhượng tái gần 1 tỷ USD là phù hợp, không thể giữ lại cao được, cần đảm bảo chia sẻ rủi ro.
Đồng thời, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý với các DN tái bảo hiểm, khi tái nước ngoài phải chọn đối tác có chất lượng, uy tín, trả tiền kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ DN có tài chính để hồi phục sản xuất kinh doanh nếu tổn thất xảy ra. Có thể là DN nước ngoài, chưa chắc đã tốt, phải chọn những DN nước ngoài có xếp hạng tín nhiệm, để tránh trường hợp xảy ra sự kiện cần bồi thường nhưng không được.
Ông Tuấn ví dụ, một đơn vị chuyên tái như VINARE, thường chọn các DN tái được xếp hạng tín nhiệm, giống như trong ngành ngân hàng bởi: S&P Global và AM Best, xếp hạng tài chính cho bảo hiểm. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các công trình trọng điểm, đầu tư lớn của quốc gia, thì nhượng tái với các DN phải có xếp hạng tín nhiệm tối thiểu A-.
Chưa hết, việc xếp hạng tín nhiệm thay đổi theo BCTC hàng năm, các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ cập nhật. Do đó, DNBH tái cần theo dõi sát, tránh tình trạng tái với một DN đang có dấu hiệu đi xuống.
“Với các công trình lớn, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến việc tái đi đâu, làm việc với ai, chất lượng đầu ra của rủi ro đó chuyển giao như thế nào, để lúc xảy ra rủi ro có thể đòi được”, ông Tuấn nhấn mạnh thêm.
Bảo hiểm chi tạm ứng bồi thường, tăng giám định viên lên các tỉnh lũ lụt
- Tổn thất bão lũ hơn 10 ngàn tỷ, bảo hiểm lấy tiền đâu bồi thường? 14/09/2024 12:30
- Bảo hiểm nhân thọ bồi thường gần 10 tỷ cho nạn nhân bão Yagi 12/09/2024 12:15
- Một DN bảo hiểm bồi thường 2.000 tỷ cho khách hàng thiệt hại do bão Yagi 12/09/2024 11:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.