Huỷ hợp đồng bảo hiểm trước hạn: DN và khách mua đều thiệt hại

Hoàng Minh - 16/11/2024 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Việc hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn có nhiều nguyên nhân như tham gia không đúng nhu cầu, bất khả kháng về tài chính… ảnh hưởng đến cả người tham gia và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH)

Người tham gia thiệt trước, DNBH tổn thất theo

Hợp đồng bảo hiểm là một thoả thuận pháp lý dân sự giữa bên mua và công ty bảo hiểm. Trong đó, người tham gia cần đóng phí để được bảo vệ trước những rủi ro không lường trước. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau như tham gia không đúng với nhu cầu, không còn tin vào bảo hiểm, sự cố về tài chính khiến người mua không thể tiếp tục đóng phí… dẫn đến việc huỷ bỏ hợp đồng trước thời hạn.

Chị Lê Kim Huệ (38 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị vừa mới làm xác nhận huỷ một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá hơn 14 triệu đồng. Lý do được chị Huế đưa ra là thời điểm năm 2023 được mời tham gia ủng hộ cho người bạn mới làm bảo hiểm, và cũng không đúng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế của bản thân.

“Hợp đồng chỉ có quyền lợi sinh mệnh, tôi chấp nhận mất tiền chứ nhu cầu hiện tại cần thẻ sức khoẻ”, chị Huệ nói thêm.

Thiệt hại tài chính còn nặng nề hơn, theo anh Nguyễn Đình Khanh (35 tuổi) ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, năm 2023 anh có được một người đồng nghiệp giới thiệu gói bảo hiểm liên kết đầu tư ILP với mức phí gần 50 triệu đồng/năm, mệnh giá bảo vệ 4 tỷ đồng. Anh Khanh kể, được người bạn tư vấn mua mệnh giá đó, mới đủ bảo vệ thu nhập, đồng thời gói này có thể đạt mức sinh lời hơn 10%/1 năm, chỉ tiết kiệm 15% thu nhập mỗi năm.

“Nghe khá hợp lý, lại cả nể nên quyết định tham gia, tuy nhiên thời điểm này bất ngờ thu nhập giảm sút, không thể tiếp tục đóng phí. Đáng tiếc, khi tham khảo bạn tư vấn thì không có cách nào để hạ mức phí xuống thấp, chỉ còn phương án đóng theo quý, nhưng số tiền cũng khá lớn, tôi không theo được”, anh Khanh ngậm ngùi.

Nhiều hợp đồng bảo hiểm bị huỷ bỏ trong vài năm vừa qua, đặc biệt sau lùm xùm Bancassurance

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, chị Đào Lan Hương, chuyên gia bảo hiểm cho biết, theo quy định của Luật người mua bảo hiểm hoàn toàn có quyền chủ động chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước thời hạn trong 21 ngày cân nhắc, sẽ được hoàn phí đã nộp, sau khi trừ đi phí khám sức khoẻ (nếu có).

Trường hợp huỷ bỏ sau 21 ngày cân nhắc thì cả người tham gia và DNBH đều thiệt thòi. Đầu tiên, về phía bên mua, việc huỷ hợp đồng trước thời hạn, gây thiệt hại về tài chính. Trong những năm đầu của hợp đồng, phí chấm dứt hợp đồng trước hạn rất cao, có DNBH lên đến 100% giá trị tài khoản, huỷ bỏ sẽ mất toàn bộ số tiền đã đóng. Thời gian cụ thể tùy thuộc vào từng sản phẩm, từng công ty, phí có thể kéo dài đến năm thứ 5 hoặc hơn.

Trong những năm sau đó, sẽ nhận lại một phần giá trị hoàn lại, tùy thuộc vào quy định của từng sản phẩm, nhưng thường sẽ thấp hơn đáng kể toàn bộ phí đã đóng.

Thứ hai, việc hủy hợp đồng bảo hiểm đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ ngay lập tức mất đi "tấm khiên” bảo vệ trước những rủi ro. Nếu không may xảy ra sự kiện bảo hiểm như tai nạn, bệnh tật, bên mua sẽ phải tự gánh chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi hoặc thậm chí là mất đi nguồn thu nhập.

Và cuối cùng, ảnh hưởng đến khả năng tham gia bảo hiểm trong tương lai bởi một vài năm sau, nếu có ý định tham gia lại, mức phí bảo hiểm sẽ tính theo độ tuổi tại thời điểm sau đó, thường sẽ cao hơn. Chưa kể việc DNBH xem xét lịch sử y tế để ra quyết định chấp thuận bảo vệ hoặc chấp thuận nhưng có điều kiện như loại trừ bệnh có sẵn, tăng phí…

Hợp đồng bảo hiểm là một thoả thuận pháp lý dân sự giữa bên mua và công ty bảo hiểm. Việc huỷ bỏ gây thiệt hại cho cả đôi bên

Theo chị Lan Hương, phía DNBH cũng chịu tổn thất, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, nếu người tham gia huỷ bỏ hợp đồng. Cụ thể, năm thứ nhất phí người mua đóng các DNBH đã phải chi một khoản ít nhất từ 30-40% hoa hồng cho tư vấn viên/ đại lý. Kế đến, là đối mặt với nhiều chi phí đáng kể như phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ…Bên cạnh đó là các chi phí cố định của doanh nghiệp.

“Chưa kể có nhiều trường hợp, thời gian tham gia đã phát sinh sự kiện bảo hiểm và phía DNBH đã chi tiền bồi thường, nhưng sau đó bên mua huỷ bỏ”, chị Hương quan ngại.

Người mua cần hiểu rõ mục đích khi tham gia

Các chuyên gia cho rằng, việc hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa chừng là một quyết định cần cân nhắc kỹ lưỡng, vì nó gây ra những tổn thất tài chính đáng kể cho cả hai bên nói riêng, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin dành cho thị trường nói chung.

Chị Đào Lan Hương, chuyên gia bảo hiểm

Để tránh “thiệt đơn, thiệt kép” cho cả người mua và DNBH, theo chị Đào Lan Hương, người mua cần tìm hiểu kỹ càng để tham gia đúng nhu cầu bảo vệ và mức tài chính phù hợp.

Ví dụ người tham gia ở các thành phố, thị xã hoặc vùng nông thôn, nếu nhu cầu về chi phí y tế không cao, không nhất thiết phải tham gia các gói bảo hiểm mức phí lớn, rất có thể sẽ trở thành gánh nặng tài chính, khiến nguy cơ huỷ ngang cao hơn nếu gặp phải biến cố về tài chính như giảm thu nhập, mất việc làm…

Kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, mong muốn sử dụng dịch vụ y tế cao cấp, hãy chia sẻ với tư vấn viên để có được lựa chọn phù hợp, vừa đảm bảo nhu cầu nhưng cũng vừa vặn với tài chính hiện tại, và trong tương lai trung, dài hạn.

“Bảo hiểm là "chiếc áo" may đo, không phải bán sẵn và là cả một hành trình, có thể tham gia nhiều gói, không nhất thiết phải mua một mức phí lớn ngay từ đầu”, chị Hương nói thêm.

Đồng thời cần hiểu rõ nhu cầu tham gia bảo hiểm vì mục đích gì, thiên về bảo vệ hay mong muốn bảo hiểm là một kênh đầu tư sinh lời. Lưu ý, các sản phẩm bảo hiểm được tư vấn đầu tư sinh lời, cần quan tâm đến thời gian dài từ 15 – 20 năm trở lên, lựa chọn quỹ đúng với khẩu vị rủi ro và trong suốt quá trình tham gia luôn chịu khấu trừ các loại phí như phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ…

Chuyên gia cố vấn bảo hiểm sẽ giúp người tham gia có được phương án bảo vệ tối ưu trước khi quyết định huỷ bỏ hợp đồng

Nếu trong trường hợp khó tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm vì một lý do nào đó, đừng vội huỷ bỏ, hãy tìm đến tư vấn viên tin cậy, có chuyên môn, để tìm ra phương án tối ưu.

Chị Hương ví dụ như phương án đóng phí linh hoạt. Một số DNBH quy định đóng phí bắt buộc trong khoảng 3 hoặc 5 năm đầu tiên của hợp đồng, sau đó khách hàng được quyền linh hoạt đóng phí. Cụ thể, đóng mức phí tối thiểu mà vẫn đảm bảo quyền lợi hoặc có thể sử dụng giá trị tài khoản (nếu có) để khấu trừ các loại phí theo quy định và tiếp tục duy trì hợp đồng cho đến khi giá trị tài khoản này bằng 0.

“Một phương án để giảm áp lực tài chính, 1-2 năm sau có tiền người tham gia tiếp tục nộp vào”, vị chuyên gia cố vấn gợi ý.

Trường hợp nữa là có thể thay đổi định kỳ đóng phí, từ một năm chuyển xuống 6 tháng hoặc thậm chí một số DNBH hỗ trợ đóng 1 tháng 1 lần. Cuối cùng, khách hàng có thể lựa chọn điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm, giảm số phí đóng nếu điều khoản của DNBH cho phép.

Bảo hiểm là "chiếc áo" may đo, không phải bán sẵn

Chị Đào Lan Hương, Chuyên gia bảo hiểm

Theo chị Đào Lan Hương, trước khi quyết định ký vào bản yêu cầu bảo hiểm, bên mua cần hiểu rõ mục đích tham gia của bản thân, nhu cầu bảo vệ, đánh giá về tình hình tài chính. Bên cạnh đó, lưu ý tình trạng sức khỏe, thói quen chi tiêu và những rủi ro tiềm ẩn trong thu nhập, công việc tương lai.

Khi được tư vấn, hãy tìm hiểu kỹ các điều khoản hợp đồng. Ngoài những thông tin cơ bản, đọc kỹ các điều khoản loại trừ và quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng, tránh tranh chấp phát sinh về sau. Bên cạnh đó, một số điểm quan trọng khác cần xem xét kỹ lưỡng bao gồm: phương thức thanh toán, thủ tục giải quyết yêu cầu bảo hiểm, thời gian bảo vệ, đáo hạn…

“Hãy tìm đến 2-3 giải pháp khác nhau từ các DNBH để có sự so sánh, đánh giá. Cuối cùng, rất quan trọng đó là tham khảo ý kiến chuyên gia mình tin tưởng bởi đây sẽ là người đồng hành, cố vấn trong suốt quá trình dài tham gia bảo hiểm nhân thọ”, chuyên gia Đào Lan Hương khuyến nghị.

Chậm và nộp thiếu phí bảo hiểm: Tự đánh mất quyền lợi của mình

Chậm và nộp thiếu phí bảo hiểm: Tự đánh mất quyền lợi của mình

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm vì chủ quan chưa nắm được hoặc quên một số mốc thời gian trong hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đóng phí, dẫn đến mất quyền lợi. Các chuyên gia lưu ý, tận dụng nhưng không nên lạm dụng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
Cùng chuyên mục
Tin khác