Năm lý do hợp đồng bảo hiểm vô hiệu: Làm gì để tránh bị thiệt?

Hoàng Minh - 10/11/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu đồng nghĩa cũng mất đi giá trị pháp lý. Lúc này, người mua bảo hiểm không thể nhận được quyền lợi tương ứng theo thoả thuận trong hợp đồng, dù sự kiện bảo hiểm đã xảy ra

Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận dân sự giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, giữ vai trò rất quan trọng, bởi đây là cơ sở để công ty bảo hiểm căn cứ chi trả, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Đồng thời đây cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người mua (nếu có).

Việc không nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến những vi phạm khiến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Vì vậy, người tham gia bảo hiểm cần lưu ý những trường hợp sau, tránh thiệt về mình.

Nộp chậm và thiếu phí bảo hiểm

Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định, nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày, nhằm giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị tài chính. Trong quá trình gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn duy trì hiệu lực, tức là người mua được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra.

Tuy nhiên, nếu hết thời gian gia hạn mà người tham gia vẫn chưa đóng phí, hợp đồng sẽ mất hiệu lực, dẫn đến vô hiệu. Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, người tham gia sẽ không nhận được quyền lợi theo điều khoản hợp đồng.

Anh Lê Anh Nguyên (35 tuổi), ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, anh có tham gia hợp đồng bảo hiểm trị giá hơn 40 triệu vào năm 2022, trong đó có quyền lợi liên quan đến thẻ chăm sóc sức khoẻ cho hai con.

Tuy nhiên, vì tài chính khó khăn, anh chưa thể đóng phí đúng hạn cho DNBH, đến 23/9/2024 đã quá 60 ngày gia hạn đóng phí, hợp đồng đã bị mất hiệu lực theo đúng điều khoản. Không may sau đó, con anh bị ốm phải nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, do hợp đồng bảo hiểm đã mất hiệu lực nên không được chi trả.

Người tham gia có trách nhiệm đóng phí theo đúng điều khoản của hợp đồng bảo hiểm

Theo anh Bùi Quang Vĩnh (32 tuổi) tư vấn viên kinh nghiệm 6 năm ở Hà Nội, trường hợp chậm nộp phí sẽ xảy ra một trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại, đồng nghĩa hợp đồng bị vô hiệu và người tham gia không được hoàn phí bảo hiểm đã đóng.

Hai là, khi hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm mà người tham gia vẫn chưa đóng phí và cũng không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ vào giá trị tài khoản hợp đồng, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút (nếu có) và nếu đủ để khấu trừ.

“Còn trường hợp giá trị tài khoản, bảo tức, lãi tích luỹ không đủ để khấu trừ phí bảo hiểm, lúc đó tuỳ vào điều khoản của từng công ty, có bên sẽ chuyển định kỳ đóng phí sang kỳ đóng phí ngắn hơn) để hợp đồng tiếp tục có hiệu lực”, anh Vĩnh nói thêm.

Không tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 cũng quy định, nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm phải kê khai thông tin chính xác và đầy đủ. Đây là điều kiện để công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro, chấp nhận bảo hiểm, hoặc chấp nhận bảo hiểm có điều kiện như loại trừ bệnh có sẵn, tăng phí...

Nếu người mua cung cấp thông tin trung thực về tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp, kê khai tài chính…trước khi ký vào bản yêu cầu tham gia bảo hiểm thì khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm tiến hành chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

Trường hợp người mua cố ý khai báo sai sự thật nhằm trục lợi, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường cho người tham gia, đồng thời vô hiệu hóa hợp đồng.

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối sẽ bảo vệ cho các bên trong giao kết bảo hiểm

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty Luật SBLAW, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối, tức là “các bên khi tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất,...”.

“Dù lý do đưa ra trong các trường hợp nêu trên là vô tình hay cố ý, một khi hành vi "trục lợi" bảo hiểm xảy ra, thì việc xử lý sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành”, Luật sư Hà khẳng định.

Sau khi rút giá trị tài khoản, số tiền còn lại 0 đồng

Nhiều trường hợp, hợp đồng bảo hiểm có giá trị hoàn lại, bên mua bảo hiểm yêu cầu công ty bảo hiểm tạm ứng tiền mặt tối đa 80%, sau khi trừ đi các khoản phí, nợ (nếu có). Nếu rủi ro bất ngờ xảy ra thì người được bảo hiểm được công ty chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận.

Tuy nhiên, số tiền còn lại trong giá trị tài khoản trong những năm tiếp theo sẽ được công ty bảo hiểm khấu trừ các loại phí như phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng…để tiếp tục bảo vệ người được bảo hiểm.

“Bên mua bảo hiểm sau khi rút tiền khỏi giá trị tài khoản (80%), cần theo dõi thường xuyên giá trị tài khoản còn lại hàng năm trên ứng dụng của công ty hoặc gọi tổng đài, để biết mình còn được bảo vệ hay không, bởi nếu giá trị tài khoản bằng 0 đồng, hợp đồng sẽ mất hiệu lực” anh Bùi Quang Vĩnh lưu ý.

Nhờ người ký tên thay nhưng không có văn bản ủy quyền

Người tham gia bảo hiểm/người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (trừ trường hợp bố mẹ ký thay con theo quy định của pháp luật). Nếu được người tham gia bảo hiểm ủy quyền để điền thông tin và ký tên trên hợp đồng bảo hiểm thì bắt buộc trước đó, phải có ủy quyền bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật.

Trường hợp không có văn bản ủy quyền, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Người tham gia không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Đại lý bảo hiểm không nộp phí về doanh nghiệp bảo hiểm

Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay khi đại lý/tư vấn viên thu phí bảo hiểm đầy đủ của khách hàng nhưng không nộp lại cho công ty. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của người tham gia, mà còn tổn hại đến uy tín và hình ảnh của công ty bảo hiểm.

Để tránh trường hợp này xảy ra, người tham gia nên đọc kỹ toàn bộ điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời, không nên ủy thác mọi việc cho tư vấn viên, đặc biệt là về phí bảo hiểm, nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân.

Hiện, nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai phương thức đóng phí bảo hiểm trực tuyến qua ứng dụng bảo hiểm, qua app ngân hàng, qua các ví điện tử….giúp khách hàng chủ động thanh toán phí và kiểm tra mọi lúc, mọi nơi.

Các chuyên gia cho rằng, bảo hiểm là một sản phẩm tài chính “khó”, bộ điều khoản phức tạp và chặt chẽ theo quy định của Luật. Người tham gia cần đọc kỹ toàn bộ điều khoản, đặt câu hỏi thắc mắc cho tư vấn viên để được giải đáp rõ ràng, đồng thời khai báo đầy đủ các thông tin cá nhân có liên quan. Điều này góp phần bảo vệ quyền lợi tối đa, cũng như đảm bảo an tâm trong suốt quá trình tham gia.

Chặn trục lợi bảo hiểm: Luật chặt chẽ, thị trường sẽ dần tốt lên

Chặn trục lợi bảo hiểm: Luật chặt chẽ, thị trường sẽ dần tốt lên

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Gian lận, trục lợi trong bảo hiểm xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu hiểu biết pháp luật, kẽ hở pháp lý… Để giải quyết được thực trạng này, các chuyên gia lưu ý việc quan trọng cần phải tăng cường phổ biến pháp luật, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong bảo hiểm.
Cùng chuyên mục
Tin khác