Thảm họa bão lũ và giá trị an toàn tài chính của bảo hiểm
(VNF) - Đợt bão lũ quét qua không chỉ thử thách sức chống chọi của con người về mặt thể chất, mà còn là “bài thuốc thử” cho nền tài chính cá nhân nói riêng và tài chính quốc gia nói chung. Người thì mất trắng tài sản không biết bắt đầu từ đâu, người lại may mắn được bảo hiểm chi trả, người thì sẵn nguồn dự trữ tài chính để dần phục hồi sản xuất.
- Bồi thường bảo hiểm 10.000 tỷ: Cơ hội khi trụ vững qua 'thảm họa' 03/10/2024 05:30
Bão tan, lũ rút là lúc cần rất nhiều tiền
Theo anh Lày Văn Dân (34 tuổi), trú tại thị trấn Cái Rồng – Vân Đồn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, chủ nuôi trồng thuỷ hải sản trong vịnh Bái Tử Long, cơn bão số 3 quét qua đã xoá sổ toàn bộ tài sản hơn 10 tỷ đồng của gia đình gây dựng trong suốt nhiều năm qua. Bão tan, cần đến tiền để có thể sớm khôi phục sản xuất nhưng không biết lấy nguồn ở đâu.
“Bảo hiểm thì không có, ngân hàng cũng chỉ giảm lãi vay, giãn nợ. Nay vừa gặp áp lực trả lãi ngân hàng, không có nguồn tài chính dự phòng, bao nhiêu tiền của dồn hết vào bè hàu, bè cá, chưa biết lấy đâu ra vốn”, anh Dân khóc kể.
Trong hoàn cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, chủ tàu du lịch ở Tuần Châu, Quảng Ninh cho biết thời gian đầu bà có mua bảo hiểm tài sản cho tàu, nhưng mấy năm vừa qua không tham gia. Lý do là vì ngân hàng yêu cầu phải chuyển từ giấy tờ thế chấp tàu sang giấy tờ thế chấp nhà, nhưng hiện tại nhà chị đã thế chấp sổ đỏ để lấy vốn kinh doanh từ khá lâu.
“Tàu thiệt hại khoảng 5 tỷ nhưng không có bảo hiểm, nhà cũng không còn nguồn tiền để có thể sớm sửa chữa, tài sản thế chấp cả rồi, không vay thêm được, đành cứ để tạm tàu ở đó”, chị Hương ngao ngán nói.
Ông Quang Huy (40 tuổi), chủ một du thuyền 5 sao ở Cát Bà mới bị đắm trong cơn bão số 3 vừa qua cho biết, thiệt hại là rất lớn, sơ bộ cũng gần 20 tỷ đồng, chỉ riêng tiền để kéo được du thuyền về bãi sửa chữa đã tiêu tốn gần 3 tỷ. Tổn thất nặng nề nhưng may mắn anh có tham gia bảo hiểm tài sản cho mọi rủi ro của MIC với tổng số tiền bảo hiểm 25 tỷ đồng, hiện đang trong quá trình thẩm định thiệt hại và chờ phương án bồi thường. Trong thời gian chờ đợi, doanh nghiệp đang phải đi vay mượn khắp nơi để có kinh phí hoạt động và sửa chữa ban đầu.
“Du thuyền hỏng, chi phí cho khoảng 30 nhân viên vẫn phải trả, không còn khả năng vay thêm, chỉ mong bảo hiểm sớm chi trả để có tiền phục hồi kinh doanh”, anh Huy lo lắng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Hoàng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty TNHH Tinh Lợi, Hải Dương, nhờ có tham gia bảo hiểm hàng hoá nên thiệt hại của doanh nghiệp đang được công ty bảo hiểm thẩm định và chờ bồi thường.
“Nếu như không có sự đồng ý phối hợp với bên bảo hiểm thì chắc chắn thiệt hại sẽ tăng lên rất nhiều vì một ngày doanh nghiệp sản xuất ra 300 nghìn sản phẩm, thời gian giao hàng có hạn. Không khắc phục sớm và đi vào hoạt động thì tổn thất cho doanh nghiệp sẽ rất lớn”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 82.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…
Thiên tai đã khiến nhiều nhà xưởng bị tốc mái, hàng trăm con tàu bị nhấn chìm tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và một số tỉnh thành khác. Cụ thể, tại Quảng Ninh, bão số 3 khiến 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Tại Hải Phòng, số xuồng, tàu thuyền bị hư hỏng, chìm là 23. Tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhiều nhà máy bị giật mái, ngập nặng, hư hỏng, logistics của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để khôi phục sản xuất, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp mong mỏi công ty bảo hiểm sớm thanh toán, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, dần bước vào khôi phục sản xuất. Đây cũng là một trong những “trợ lực” giúp doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão và dần phục hồi sản xuất được Chính phủ nhấn mạnh tại Nghị quyết 143 ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Sớm khôi phục kinh doanh nhờ bảo hiểm
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), nhận định cơn bão số 3 để lại thiệt hại về người và tài sản rất lớn, có doanh nghiệp thiệt hại vài trăm tỷ đồng đến cả ngàn tỷ, nhưng cũng rất đáng tiếc, trong số đó rất nhiều cá nhân, tổ chức không tham gia bảo hiểm hoặc chỉ tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc nên số tiền bồi thường không lớn, chưa đủ bù đắp thiệt hại.
Theo ông Tuấn, bản chất không một doanh nghiệp, chủ kinh doanh nào bỏ ra một số tiền lớn để dự phòng cho rủi ro, ví dụ như trường hợp chủ du thuyền thiệt hại gần 20 tỷ đồng, họ sẽ không dành riêng một khoản 20 tỷ chỉ lo cho việc này. Do đó, đây chính là lúc thể hiện giá trị, vai trò của bảo hiểm trong việc dự phòng tài chính, nhằm giúp người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
“Để bảo hiểm số tiền 25 tỷ đồng cho tài sản là du thuyền, mức phí tham gia một năm chỉ xấp xỉ khoảng 90 triệu đồng”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thiệt hại kinh tế là rất nặng nề, theo ước tính của Chính phủ là hơn 82.000 tỷ đồng nhưng bảo hiểm bản chất số đông bù số ít, các doanh nghiệp bảo hiểm rất muốn bồi thường, có đủ nguồn tài chính để chi trả, nhưng một bộ phận lớn người dân và doanh nghiệp chưa có ý thức tham gia.
Chia sẻ thêm, ông Tuấn cho hay theo quy định của pháp luật về biên khả năng thanh toán, bảo hiểm luôn có đủ nguồn để thực hiện trách nhiệm bồi thường bao gồm dự phòng bồi thường và nguồn từ nhượng tái bảo hiểm trong nước và quốc tế, đảm bảo khả năng thanh toán.
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, sau khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua, các doanh nghiệp bảo hiểm gồm cả phi nhân thọ và nhân thọ đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các công ty giám định, cử hàng trăm, hàng ngàn giám định viên xuống trực tiếp hiện trường, cùng với người tham gia bảo hiểm xác minh thiệt hại, xử lý tài sản và hỗ trợ tạm ứng bồi thường.
Ví dụ như, thiệt hại của một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm tại Quảng Ninh, tổng giá trị bảo hiểm bồi thường lên đến gần 300 tỷ đồng. Gần như ngay lập tức, doanh nghiệp bảo hiểm đã cử nhân viên xuống cùng khách hàng để giám định, thanh lý sớm, tránh hỏng hóc với số tiền khắc phục, thu hồi được khoảng 100 tỷ đồng (bằng 1/3 số tiền thiệt hại). Số tiền còn lại doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giám định và bồi thường, tạm ứng sớm để giúp doanh nghiệp có ngay nguồn tiền lớn để chi trả các chi phí sau bão.
“Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sau thiên tai vừa rồi là vào cuộc ráo riết, giám định nhanh chóng, sau đó tư vấn khách hàng bán tận thu (nếu được) và tiến hành tạm ứng bồi thường. Người dân sẽ sớm có ngay một khoản vốn để khôi phục hoạt động”, ông Tuấn nói thêm.
Điều người dân và doanh nghiệp quan tâm lúc này là nguồn tiền ở đâu để phục hồi. Ví dụ như những người dân nuôi trồng thuỷ hải sản Vân Đồn nêu trên, họ đã thế chấp nhà đất trong ngân hàng, không thể vay thêm, chưa kể áp lực trả lãi. Những chủ tàu ở Vịnh Hạ Long, hoặc các doanh nghiệp sản xuất khác cũng tương tự như vậy, đa phần là có vay vốn ngân hàng.
Theo thống kê của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, đến nay con số bồi thường bảo hiểm ước tính khoảng hơn 11.600 tỷ đồng, có khả năng tăng thêm những cũng chỉ chưa đến 20% tổng thiệt hại của nền kinh tế. Vậy hơn 80% số tiền tổn thất, tương đương khoảng gần 70.000 tỷ sẽ lấy ở đâu? Thông thường chính phủ sẽ phải cân đối từ các nguồn thu ngân sách để bù lại thiệt hại, hỗ trợ cho người dân, hoặc sẽ tiến hành đầu tư các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng bằng nguồn vốn công để tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
“Nếu có bảo hiểm, người dân và doanh nghiệp sẽ có một nguồn vốn chủ động hơn trong việc khôi phục lại sản xuất kinh doanh từ chi trả bồi thường”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng để bảo hiểm thực sự trở thành “bà đỡ” của cả nền kinh tế trong bất kỳ trường hợp nào, việc đầu tiên cần phải tăng cường truyền thông để phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, từ đó giúp người dân và doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của dự phòng tài chính, và ý thức được việc phải tham gia bảo hiểm để bảo vệ tiền, thậm chí cả gia sản của cuộc đời.
Như trường hợp của chủ tàu ở Quảng Ninh, họ có tiền nhưng chưa có đủ kiến thức, thông tin về bảo hiểm, chưa hiểu vai trò của bảo hiểm, khi chỉ phải bỏ khoảng 10 triệu đồng/năm để bảo vệ cho cả một gia sản nhiều tỷ đồng.
“Điều quan trọng nhất là người mua phải hiểu được chi phí tham gia bảo hiểm là một khoản đầu tư để giảm thiểu rủi ro cho chính mình. Người dân không tham gia thì doanh nghiệp bảo hiểm thấy thiệt hại cũng chịu”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, sau tổn thất nặng nề vừa qua, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tiếp tục tăng cường năng lực tài chính để dự phòng cho những rủi ro tiếp theo có thể xảy ra. Tiền dự phòng theo quy định của pháp luật vẫn đảm bảo, nhưng bồi thường nhiều sẽ ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu.
Cuối cùng, ông Tuấn nhấn mạnh rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai kịp thời về bảo hiểm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đặc biệt là mảng bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tài sản công. Bảo hiểm nông nghiệp đã có sự chỉ đạo của chính phủ, triển khai nhiều năm nay nhưng kết quả đạt được còn chưa cao.
“Nông dân, ngư dân nuôi trồng thuỷ hải sản thiệt hại quá lớn sau cơn bão, mà gần như sức cùng lực kiệt không thể gượng dậy. Giá như họ có bảo hiểm thì bớt được phần nhiều gánh nặng. Chính vì vậy, rất cần sớm triển khai các chính sách bảo hiểm cho mảng nông nghiệp”, ông Tuấn trăn trở.
Sau bão, 1 DN bảo hiểm bồi thường tăng lên 3.000 tỷ, tổng chi trả toàn ngành vượt 9.000 tỷ
- Bảo hiểm là cơ chế tốt nhất khắc phục thiệt hại bão lũ 25/09/2024 03:15
- Nông dân mất trắng chục ngàn tỷ vì bão, bảo hiểm nông nghiệp ở đâu? 25/09/2024 02:30
- Bảo hiểm và bài test bão Yagi: Thử thách để sàng lọc thị trường 19/09/2024 08:30
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.