Nông dân mất trắng chục ngàn tỷ vì bão, bảo hiểm nông nghiệp ở đâu?
(VNF) - Mặc dù là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thiên tai và điều kiện thời tiết nhưng khi nhắc đến bảo hiểm nông nghiệp, phần lớn người nông dân, ngư dân Việt Nam chưa bao giờ được biết đến. Thực tế loại hình này đã triển khai nhiều năm trước đây, tuy nhiên không có được kết quả rõ ràng.
- Tài sản tan ra biển, sổ đỏ cắm ngân hàng, chỉ còn gánh nợ nghìn tỷ 23/09/2024 03:00
“Chưa bao giờ nghe đến bảo hiểm nông nghiệp”
Đó là câu nói bất ngờ của anh Nguyễn Văn Thành (50 tuổi), trú tại Khu 7, thị trấn Vân Đồn – Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh khi được hỏi về việc gia đình có được bảo hiểm chi trả khi mất trắng toàn bộ tài sản sau cơn bão số 3 (Yagi) như vậy.
Ông Thành cho biết, khi vay vốn của ngân hàng nông nghiệp, ông chỉ được tư vấn là phải mua bảo hiểm thì mới được vay, đó bảo hiểm nhân thọ chứ bản thân chưa bao giờ nghe đến cụm từ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hàu, bảo hiểm cá.
“Ngư dân như tôi chỉ biết ra khơi bám biển, còn không biết mình có loại bảo hiểm nào, chứ nói gì đến bảo hiểm nông nghiệp”, ông Thành khẳng định.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, theo anh Đinh Thế Cường (36 tuổi), người ở Cẩm Phả, Quảng Ninh nuôi trồng thuỷ hải sản tại Vân Đồn, gia đình bị thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, trong đó có khoảng 4 tỷ là tiền vay ngân hàng khi bè hàu bị xoá sổ.
Tuy nhiên, anh Cường cũng chưa bao giờ nghe đến cụm từ bảo hiểm nông nghiệp và cũng không biết sản phẩm hàu, cá chim, cá song … có được bảo hiểm hay không.
Không chỉ với ngư dân, người trông cây ăn quả như Ông Nguyễn Văn Tá, ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái buồn bã tâm sự, gia đình bị thiệt hại hơn 200 gốc bưởi “tiến Vua” từ 7-8 năm tuổi sau trận ngập lụt vừa qua. Toàn bộ số cây trồng đã khô héo, quả rụng hết, cây đang chết dần và gần như không thể khắc phục.
Khi được hỏi về việc gia đình có biết đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho cây ăn quả, ông Tá lắc đầu, chưa bao giờ nghe và biết đến loại hình này.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, nông nghiệp là lĩnh vực thường xuyên phải chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đặc biệt là biến đổi khí hậu thời gian gần đây ngày càng phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Nếu được bảo hiểm như các lĩnh vực khác như hàng hoá, tài sản, kỹ thuật… thì đó sẽ là “tấm khiên” cứu cánh cho các hộ nông dân, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 3 và mưa lớn sau bão đã khiến 200.721 ha lúa bị ngập úng, 50.642 ha hoa màu bị ngập úng, 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính lên tới hơn 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Tính riêng ngành nuôi trồng thuỷ hải sản ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã thiệt hại gần 2.300 tỷ đồng, chưa kể các vùng nuôi khác như Quảng Yên, Cẩm Phả hoặc các vùng cây ăn trái ở miền núi phía Bắc. Gần như các hộ dân mất trắng, có hộ gia đình thiệt hại chục tỷ, đến cả trăm tỷ đồng, chưa biết lấy nguồn vốn ở đâu để có thể bắt đầu lại sản xuất.
Đã triển khai nhiều năm, nhưng đều chưa thành công
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ xác định có 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm), 7 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 3 loại thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố.
Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ mới triển khai thí điểm với cây lúa, cây cà phê, tôm sú, cá tra… trong khi rất nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang cần tham gia bảo hiểm để bảo vệ tài sản trước thiên tai, bão lũ và đối tượng bảo hiểm không chỉ là lúa, tôm mà còn là các loại cây ăn quả, vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản...Đặc biệt là các vùng trồng, vùng nuôi sản lượng lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế biển quan trọng như Quảng Ninh…
Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho biết, suốt một thời gian dài chủ trương thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp là trọng điểm của quốc gia theo quyết định số 13/2022 của thủ tướng chính phủ, nhưng chưa triển khai được nhiều và có kết quả rõ rệt. Việc này đến từ nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên, bảo hiểm nông nghiệp bắt đầu từ bảo hiểm cho cây lúa, bảo hiểm cho tôm sú, cá tra ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, khi đã nhắc đến nông nghiệp là bảo hiểm liên quan đến thiên tai, bão lũ. Các DN bảo hiểm sẽ phải đối mặt với những thiệt hại khó kiểm soát giống như cơn bão Yagi vừa qua, có thể dẫn đến việc tăng rủi ro “bất ngờ” cho DNBH, nặng nề nhất là DNBH phá sản, nên nhiều công ty còn e ngại triển khai.
Kế đến, vì khả năng gặp rủi ro cao, nên phí thu của bảo hiểm nông nghiệp thường đắt đỏ hơn các loại bảo hiểm khác so với thu nhập của nhà nông, khiến người nông dân không mặn mà tham gia.
Thứ ba, đối tượng tham gia của loại hình này là người nông dân, mà rào cản lớn nhất là trình độ dân trí đa phần còn thấp, tư duy còn hay tiếc của của vặt, ít nghĩ đến việc bảo vệ tài sản trước thiên tai, nên cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của bảo hiểm nông nghiệp.
Cuối cùng, việc triển khai gặp khó khăn khi phí tỷ trọng doanh thu ít hơn so với các loại hình khác nhưng địa bàn nông nghiệp thì rất rộng, dẫn đến hiệu suất kinh doanh không đạt.
“Groupama là một DNBH nước ngoài đã từng tham gia thị trường bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam, với sản phẩm bảo hiểm dành cho vật nuôi là con lợn ở khu vực miền Tây nhưng do tỷ lệ bồi thường quá nhiều. Bên cạnh đó, địa bàn rộng khắp khiến cho DN này không đủ nhân lực để thẩm định bồi thường, dẫn đến kết quả sớm thất bại. Hay như Bảo Minh triển khai bảo hiểm tôm, cây cà phê ở Tây Nguyên cũng không thành công”, ông Đán lấy ví dụ.
Theo một vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm bảo hiểm nông nghiệp, của một DN top 5 phi nhân thọ tại Việt Nam, trước đây có một số công ty bảo hiểm đã từng triển khai thí điểm các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp tại khoảng 20 tỉnh thành, nhưng hầu hết chưa có được kết quả rõ ràng. Theo vị này, trong loại hình bảo hiểm này việc kiểm soát rủi ro khá khó khăn, và còn phụ thuộc vào chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Vị chuyên gia ví dụ, với bảo hiểm cây lúa, điều kiện để được yêu cầu bồi thường bảo hiểm theo đúng điều khoản hợp đồng là tổn thất sụt giảm sản lượng do thiên tai. Và điều kiện thiên tai, dịch bệnh này phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh công bố, tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được.
“Để loại hình này sớm đi vào thực tiễn, cần nhiều yếu tố, trong đó người dân phải hiểu rõ vai trò của bảo hiểm nông nghiệp, nhưng quan trọng hơn vẫn là cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ và đồng hành của chính phủ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
2.300 tỷ tan vào biển: Nước mắt và nợ nần của những triệu phú USD ở Vân Đồn
- Quảng Ninh xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết sau bão số 3 19/09/2024 04:56
- Năm ngân hàng triển khai gói hỗ trợ thiệt hại do bão số 3 ở Quảng Ninh 19/09/2024 04:37
- Ngư dân Quảng Ninh rơi nước mắt tìm vớt gia tài tiền tỷ tan nát vì siêu bão 17/09/2024 10:22
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.