Ngư dân Quảng Ninh rơi nước mắt tìm vớt gia tài tiền tỷ tan nát vì siêu bão

Đỗ Lan Hương - 17/09/2024 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Đã 1 tuần sau khi cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá tại Quảng Ninh, nhưng đến giờ nhiều ngư dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long vẫn chưa thể khắc phục được ngay hậu quả nặng nề. Nhiều người dân mất trắng hàng tỷ đồng.

Khu vực Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả), từng là neo đậu của nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Là một trong những hộ có số lượng lồng bè nuôi thủy sản nhiều nhất tại khu vực xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, ông Đặng Văn Vinh (thường trú tại khu Tân Lập 4, phường Cẩm Thủy, TP. Cẩm Phả) đau xót nhìn khối tài sản hơn 4 tỷ đồng của mình biến mất sau cơn bão.

Những gì còn lại chỉ là dăm chiếc lồng trống trơn mà ông đã kéo vào sát khu vực tránh trú. Ông Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại khoảng khắc nhìn thấy khối tài sản, vốn liếng của mình tan theo giông bão: “7 vạn cá giống, 21 ô lồng nuôi cá song, cá giò giờ chẳng còn gì. Không riêng nhà tôi, tất cả những hộ quanh đây đều mất hết, người ít cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng. Nhà nào cũng có nợ ngân hàng hết...”.

Ông Đặng Văn Vinh với khối tài sản hơn 4 tỷ đồng, giờ chỉ còn sót lại những ô lồng gẫy, trống trơn

Tại xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn có 442 hộ dân, trong số đó, có gần 200 hộ và HTX nuôi trồng thủy sản. Trong bão, 13 hộ chìm bè, hư hại 54 tàu. Nhiều hộ mất lớn, toàn xã mất trắng hơn 200 ô lồng nuôi cá (mỗi ô trị giá tầm 100 triệu đồng). Có những HTX thiệt hại đến 20 tỷ đồng.

Sở hữu 40 bè và 5 ô lồng nuôi cá giò, cá chim, cá song, 30 dây phao nuôi hầu đại dương tại khu vực xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, ông Phạm Văn Minh (trú tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên) cho biết: “Toàn bộ số tiền 1,5 tỷ đồng đầu tư nuôi trồng là gia đình tôi vay mượn ngân hàng. Khổ nỗi, phần lớn cá và hầu nhà tôi, chỉ còn tầm 1 tháng nữa là thành thương phẩm, có thể xuất bán, dự tính có thể thu về trên 1 tỷ đồng. Giờ chỉ còn lại những dây phao này. Chúng tôi đang thuê người thu gom lại. Cố gỡ để còn sớm gây giống trở lại”.

Dây phao mà ông Minh nhắc đến là những giàn nuôi hàu của người dân vừa mới chuyển đổi sang vật liệu quy chuẩn HDPE theo sự vận động của chính quyền địa phương.

Mỗi quả phao có giá 110.000 đồng, bao gồm cả công vận chuyển ra đến nơi nuôi trồng. Mỗi giàn nuôi hàu làm từ các quả phao này có chi phí từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Do vậy, những người nuôi hàu như ông Minh đang cố gắng vớt lại những quả phao còn sót lại.

Gia đình nhà ông Minh đang cố vớt lại những chiếc phao sót lại để nuôi hàu đại dương

Họ cũng là những người vừa trải qua đau đớn, mất mát nhưng vẫn quyết tâm bám trụ và mong muốn được làm lại từ đầu.

Cũng trong tình cảnh bị thiệt hại nặng nề, bà Nguyễn Thị Hoàn, thị xã Quảng Yên có bè nuôi cá song tại khu vực Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả nói trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Nhà tôi 'cắm' 2 sổ đỏ trong Ngân hàng. Tổng thiệt hại hơn 10 tấn cá to, trị giá 2 tỷ bạc, chưa kể cá nhỏ. Cả nhà tôi khóc hết nước mắt. Trước sống nhờ biển, giờ ra biển thấy sợ quá...”.

Bà Nguyễn Thị Hoàn, thị xã Quảng Yên có bè nuôi cá song tại khu vực Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả nói trong tiếng khóc nghẹn ngào

Ông Vũ Văn Khoa, thôn Cống Đông, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn thất thần nói: “Công sức nửa đời người của mấy anh em nhà tôi, hơn 50 ô lồng, 6 tỷ bạc. Mất hết, không còn gì. Nhà cửa còn chưa dám xây, chỉ đầu tư lồng bè. Con tôi còn suýt bị nước cuốn mất”...

Đôi khi còn những con cá song hiếm hoi sống sót, cũng đã trày vảy đau đớn

Với những người ngư dân, lồng bè nuôi trồng là gia sản của cả nhà thậm chí của cả họ. Siêu bão ập đến đúng lúc cá đang độ lớn, đầu tư cho nuôi trồng cũng đã nhiều, chỉ chờ ngày thu hoạch. Nhìn những mảnh phao, gỗ, bè mảng trôi dạt trên mặt Vịnh, không ai không khỏi xót xa.

Toàn huyện Vân Đồn có khoảng 3.470ha, trong đó có đến 4.850 ô nuôi cá lồng bè đã bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại của ngư dân Vân Đồn khoảng trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, người nuôi nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng, nuôi cá biển thiệt hại trên 500 tỷ đồng, nuôi hải sản khác thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, tại huyện Vân Đồn còn thiệt hại 318 nhà bè và gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.

Còn tại thành phố Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính cũng hàng trăm tỷ đồng.

Ông Đinh Bùi Hải Sơn, chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn cho biết: “Hiện tại, Thắng Lợi vẫn chưa được cấp điện, nước trở lại. Nhưng mong muốn lớn nhất với các ngư dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và cả chính quyền địa phương là có chính sách giãn hoãn nợ, hỗ trợ người dân vay vốn để sớm khôi phục sản xuất, nuôi trồng...”.

Những người ngư dân đang thu dọn lại sau bão

Trước thiệt hại nặng nề mà bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND về việc cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3 và mưa, lũ sau bão với tổng số tiền là 180 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tiến hành cấp bổ sung kinh phí để các địa phương sử dụng bên cạnh nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, đồng thời tập trung xây dựng cơ chế, chính sách còn thiếu, phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật để hỗ trợ nhân dân.

Còn trong cuộc kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và trò chuyện với các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển bị ảnh hưởng nặng nề trong bão Yagi tại Vân Đồn và Cẩm Phả ngày 11/9, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu chính quyền huyện Vân Đồn và thành phố Cẩm Phả cần động viên kịp thời, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, giúp người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.

Hy vọng với các kế hoạch, chính sách hỗ trợ, những ngư dân nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh sẽ sớm thoát khỏi cơn bĩ cực, ổn định lại cuộc sống, khôi phục sản xuất nuôi trồng và đặc biệt vẫn giữ vững niềm tin, sự quyết tâm, nỗ lực trong lao động, sẵn sàng vươn khơi bám biển sau những bão tố.

Cùng chuyên mục
 Cục Thuế chỉ rõ loạt hành vi gian lận, trốn thuế... của Coinco 703

Cục Thuế chỉ rõ loạt hành vi gian lận, trốn thuế... của Coinco 703

(VNF) - Công ty Đầu tư & Xây dựng 703 là nhà thầu giao thông có tiếng vừa bị điểm tên chậm đóng BHXH, gian lận, trốn thuế, khai sai.

Lộ trình 1,3 tỷ USD bị vướng, Tập đoàn Hyosung ra văn bản gửi Quảng Nam

Lộ trình 1,3 tỷ USD bị vướng, Tập đoàn Hyosung ra văn bản gửi Quảng Nam

(VNF) - Tập đoàn Hyosung đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam về những vướng mắc trong thực thi kế hoạch đầu tư tỷ USD ở địa phương này.

Bán trang sức thu 500 tỷ, Huy Thanh Jewelry nộp thuế chưa nổi 30 triệu

Bán trang sức thu 500 tỷ, Huy Thanh Jewelry nộp thuế chưa nổi 30 triệu

(VNF) - Dù doanh thu trong 4 năm gần đây lên tới gần 500 tỷ đồng, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Huy Thanh Jewelry đóng góp chỉ chưa tới 30 triệu. Nhiều năm liên tiếp, số thuế doanh nghiệp đóng góp chỉ bằng 0.

Trong 1 ngày, BĐS Trường Lộc và BĐS Phát Đạt huy động  5.500 tỷ đồng trái phiếu

Trong 1 ngày, BĐS Trường Lộc và BĐS Phát Đạt huy động 5.500 tỷ đồng trái phiếu

(VNF) - Cty BĐS Trường Lộc và BĐS Phát Đạt huy động thành công 5.500 tỷ TP. Hai lô TP hoàn thành trong 1 ngày, cùng ngày đáo hạn, đơn vị tư vấn và lãi suất.

Đất đảo Cô Tô gần 100 triệu/m2, sẵn tiền cũng không dễ tìm mua

Đất đảo Cô Tô gần 100 triệu/m2, sẵn tiền cũng không dễ tìm mua

(VNF) - Nhà đất dọc tuyến đường ven biển chủ yếu để kinh doanh nhà hàng, nơi lưu trú cách Khu dịch vụ thương mại huyện Cô Tô diện tích vài trăm mét vuông hiện có giá bán từ 80 đến 90 triệu đồng/m2.

Thái Bình mở đường cho Geleximco Hưng Phú làm KCN gần 2.000 tỷ

Thái Bình mở đường cho Geleximco Hưng Phú làm KCN gần 2.000 tỷ

(VNF) - Công ty CP Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú vừa được chấp thuận chủ trương đầu dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú gần 2.000 tỷ tại tỉnh Thái Bình.

Người vay 'bùng' nợ, cần dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp?

Người vay 'bùng' nợ, cần dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp?

(VNF) - Trong những năm gần đây, tình trạng nợ xấu và bùng nợ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều công ty tài chính tại Việt Nam.

Tesla 'vượt mặt' Volkswagen: Cuộc khủng hoảng ô tô Đức tại Trung Quốc

Tesla 'vượt mặt' Volkswagen: Cuộc khủng hoảng ô tô Đức tại Trung Quốc

(VNF) - Vào thời kỳ hoàng kim của Volkswagen vào đầu thập kỷ này, CEO khi đó là ông Herbert Diess và CEO Tesla là Elon Musk có mối quan hệ "thân thiết khác thường" khi dành nhiều “lời khen có cánh” cho những thành tựu trong ngành ô tô của nhau. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi.

'Siêu dự án' 136.000 tỷ đồng: Đại lộ phát triển mới cho TP.HCM

'Siêu dự án' 136.000 tỷ đồng: Đại lộ phát triển mới cho TP.HCM

(VNF) - TPHCM và các tỉnh cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể vành đai 4 dài gần 207km đi qua 5 tỉnh, thành với kinh phí hơn 136.000 tỷ đồng để sớm trình Quốc hội trong tháng 10.