Bảo hiểm và bài test bão Yagi: Thử thách để sàng lọc thị trường

Xuân Thạch - 19/09/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Trước những áp lực rất lớn về bồi thường thiệt hại sau bão, nhiều DNBH đã nhanh chóng xác minh và thực hiện chi trả. Các chuyên gia cho rằng, thiệt hại do bão Yagi là thách thức, cũng là bài test sàng lọc các công ty bảo hiểm.

Nhiều DN bảo hiểm đẩy nhanh bồi thường

Bảo hiểm MIC thông tin, tính đến ngày 16/09/2024, DN đã trao bồi thường 175 triệu đồng cho 2 khách hàng, trong đó tạm ứng bồi thường Bảo hiểm sức khỏe doanh nghiệp cho gia đình thuyền viên Công ty TNHH vận tải Việt Thuận & chi trả bồi thường tai nạn thuyền viên: Hoàng Nam Tao - Công ty kho vận & cảng Cẩm Phả - Vinacomin.

Bảo hiểm MIC chi trả cho khách hàng thiệt hại sau bão lũ tại Quảng Ninh. Ảnh: MIC

Tương tự, bảo hiểm PTI cho biết, DN đã tạm ứng bồi thường cho khách hàng trong vụ tai nạn sập cầu Phong Châu. Được biết, khách hàng có tham gia bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe của PTI với mức trách nhiệm 20 triệu đồng/người.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, VPĐD cứu hộ và giám định PTI khu vực Miền Bắc - Phòng Khu vực Phía Bắc đã liên lạc trực tiếp làm việc với khách hàng mua bảo hiểm xe tải này để hướng dẫn phối hợp thu thập thông tin, nhanh chóng giám định tổn thất và lên kế hoạch bồi thường cho khách hàng. Ngày 13/09, Đại diện PTI đã phối hợp với Công ty cổ phần bê tông Tự Lập trao tạm ứng bồi thường cho gia đình lái xe.

Bảo hiểm PTI tạm ứng bồi thường cho khách hàng trong vụ tai nạn sập cầu Phong Châu. Ảnh: PTI

Trước đó, Bảo hiểm BIC cho biết ngày 13/09/2024, DN đã tạm ứng số tiền 945 triệu đồng bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới đối với những hành khách xấu số trên xe khách trong vụ sạt lở tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Bảo hiểm AIA Việt Nam được cho là DN chi trả sớm nhất cho thân nhân các nạn nhân thiệt hại do bão lũ. Bước đầu, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh.

Ngay sau khi ghi nhận và xác minh thiệt hại, AIA Việt Nam đã hoàn tất chi trả quyền lợi cho thân nhân của 5 khách hàng với số tiền 6,5 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, khi bão vừa đi qua, lũ lớn đang lên nhưng rất nhiều các DNBH khác như MIC, Bảo Việt, PVI, VBI… đã vào cuộc, cử hàng trăm giám định viên và nhân sự trực tiếp xuống hiện trường, hỗ trợ khách hàng, hướng dẫn bồi thường. Bên cạnh đó, nhanh chóng thẩm định hồ sơ, sớm chi trả và tạm ứng bồi thường cho các khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại sau bão lũ.

Số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cho thấy, tổng số tiền bồi thường tổn thất về cả tài sản và con người của các DNBH báo cáo về tính đến 17h ngày 12/9/2024 ước khoảng 7.000 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa phải là cuối cùng bởi những thiệt hại sau hoàn lưu của bão hiện vẫn còn tăng thêm.

Bài test lớn để “sàng lọc” thị trường

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 16/9, bão số 3 đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 40.000 tỷ đồng, con số này có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, khiến GDP 2024 giảm 0,15%.

Như vậy, tỷ lệ tổn thất được bảo hiểm trên tổng thiệt hại kinh tế do bão Yagi gây ra theo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm khoảng 7.000 tỷ, tương đương hơn 17%. Con số này được cho là cao hơn gấp nhiều lần so với các đợt chi trả thiệt hại bão lũ trước đây, khoảng 4 - 5%.

Thực tế trên cho thấy, các DNBH, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ đang phải đối mặt với nhiều thách thức với số lượng yêu cầu bảo hiểm lớn, liên tục báo về tổn thất, tổng chi trả gấp rất nhiều lần so với các đợt thiệt hại trước đây. Đồng thời, các DN cũng đã huy động lượng nhân lực lớn, hàng trăm các giám định viên, và chỉ định thêm giám định viên độc lập để nhanh chóng hỗ trợ xác minh thiệt hại và hướng dẫn bồi thường.

Nhằm mục tiêu thực hiện chỉ thị của Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài chính về việc nhanh chóng hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong việc bồi thường, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tài sản của khách hàng bị thiệt hại sau bão Yagi

Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, mảng bảo hiểm phi nhân thọ từ trước đến nay đã rất cạnh tranh, nay gặp phải thách thức bồi thường lớn sau cơn bão lũ, cũng khiến các DNBH đang “chạy đua” để giữ niềm tin đối với khách hàng.

Đầu tiên, trước áp lực con số chi trả bồi thường rất lớn, đòi hỏi các DNBH phi nhân thọ cần có nền tảng tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường, và nhượng tái bảo hiểm với các nhà tái uy tín để khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, sẽ có ngay nguồn tài chính để xử lý bồi thường nhanh chóng.

Kế đến, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt việc dự phòng rủi ro này bởi nó liên quan nhiều đến bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hàng hoá… của nhiều công trình lớn, trọng điểm của quốc gia như cầu đường, nhiệt điện, sân bay…

“DNBH xử lý nhanh, tạm ứng bồi thường sớm, chi trả minh bạch theo đúng điều khoản hợp đồng thì sẽ là điểm cộng với người tham gia”, ông Huân nói thêm.

Đồng thời, theo ông Huân, trong khoảng 1-2 năm trước đây những khủng hoảng của bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt kênh bancassurance gây xói mòn niềm tin của người dân đối với bảo hiểm nói chung. Do đó, vừa là cơ hội để các DNBH lấy lại niềm tin, vừa là dịp để người dân thấy được tầm quan trọng của bảo hiểm. Không đơn thuần là việc ép mua bảo hiểm như trước đây, nhu cầu tự nguyện mua bảo hiểm của người dân sẽ tăng lên.

“Khách hàng sẽ biết được đâu là DNBH uy tín, bồi thường minh bạch, đồng cảm với người mua bảo hiểm. Đây cũng là cơ hội để “sàng lọc” thị trường bảo hiểm”, PGS.TS Huân nhấn mạnh.

Bảo hiểm chi tạm ứng bồi thường, tăng giám định viên lên các tỉnh lũ lụt

Bảo hiểm chi tạm ứng bồi thường, tăng giám định viên lên các tỉnh lũ lụt

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sau khi ghi nhận và cử giám định viên xác minh thiệt hại đã nhanh chóng thực hiện bồi thường, tạm ứng chi trả cho cá nhân, tổ chức nhằm sớm ổn định đời sống, khôi phục kinh doanh sản xuất
Cùng chuyên mục
Tin khác