Chuyên gia ADB

Bảo hiểm là cơ chế tốt nhất khắc phục thiệt hại bão lũ

Quỳnh Anh - 25/09/2024 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đưa ra những gợi ý về cơ chế phục hồi sau thiên tai, đặc biệt sau khi cơn bão Yagi vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn tại miền Bắc.

Chia sẻ về những thiệt hại do cơn bão Yagi, ngày 25/9, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết những ước tính thiệt hại do Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra chưa phải con số cuối cùng, do vẫn đang trong quá trình khắc phục.

Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng những nỗ lực tái thiết, khắc phục sau bão sẽ phần nào bù đắp cho phần tăng trưởng bị giảm, do đó, dự báo thiệt hại 0,15% GDP còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Chính phủ trong thời gian tới.

Chuyên gia này cũng cho biết, hiện tại Chính phủ đã có những cơ chế cả trong ngắn và dài hạn nhằm khắc phục hậu quả sau bão, ví dụ như việc hỗ trợ cho các địa phương khoảng 350 tỷ, cũng như kêu gọi đóng góp từ toàn dân và sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế.

Ông Nguyễn Bá Hùng.

Với các doanh nghiệp, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để thông qua hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính cho phục hồi.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, bản thân lĩnh vực ngân hàng cũng cần đảm bảo an toàn hệ thống và cũng chịu nhiều thiệt hại khi các khách hàng có rủi ro, nên để tìm được cơ chế hỗ trợ thêm cho phục hồi cũng không dễ.

"Tôi cho rằng có 1 phần ít được nói đến là bảo hiểm. Thông thường trên thế giới, sau thiên tai lớn phần nguồn lực đóng góp cho tái thiết đầu tiên là Bảo hiểm.

Ví dụ, cơn bão Katrina tại Mỹ, gây thiệt hại 120 tỷ USD, riêng đóng góp từ lĩnh vực bảo hiểm là 40 tỷ USD, là giá trị bảo hiểm đóng góp trực tiếp vào phục hồi tài sản và phục hồi thu nhập với các đối tượng bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Bá Hùng nói về việc tận dụng nguồn lực từ bảo hiểm để tái thiết sau thiên tai.

"Hiện nay, tôi vẫn cho rằng cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn tới trung hạn, một là dựa vào bảo hiểm, hai là dựa vào các nguồn hỗ trợ từ ngân sách", ông Hùng khẳng định.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 (hay bão Yagi), các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa, kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Khu vực này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính sơ bộ chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%. Quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng 6%

ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng 6%

Tiêu điểm
(VNF) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho Việt Nam, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Cùng chuyên mục
Tin khác