Bắt đầu ngấm đòn Covid-19, 'ông lớn' ngành bán lẻ ứng phó thế nào?

Thanh Long - 23/03/2020 09:32 (GMT+7)

(VNF) - Dịch Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành bán lẻ, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải có những đối sách rõ ràng trong cả ngắn hạn và dài hạn.

VNF
Lợi nhuận tháng 2/2020 của PNJ chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" ngành bán lẻ. Số liệu mới công bố của Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy tháng 2/2020, "nữ hoàng trang sức" này ghi nhận tăng trưởng chỉ 7% về doanh thu (đạt 1.978 tỷ đồng) và chỉ 2% về lợi nhuận sau thuế (đạt 177 tỷ đồng).

Tính toán cho thấy lũy kế 2 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 3.646 tỷ đồng (tăng trưởng 4%) và 344 tỷ đồng (tăng trưởng 5%).

Phía PNJ cho biết trong tháng 2, thị trường bán lẻ trang sức chịu ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và biến động mạnh của giá vàng. Dù vậy, doanh thu kênh lẻ của doanh nghiệp này vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều con số 34% của năm 2019.

Trong khi đó, doanh thu kênh sỉ tháng 2/2020 chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Hồi tháng 1, doanh thu kênh sỉ của PNJ thậm chí giảm tới 32% với một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm giảm, ảnh hưởng đến đầu ra của khách hàng sỉ.

Trong tháng 2, PNJ chỉ mở thêm vỏn vẹn 1 cửa hàng vàng.

Năm 2020, PNJ đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 12%, dự kiến đạt 19.020 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng cùng mức 12%, dự kiến đạt 1.686 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu tăng 13%, dự kiến đạt 1.349 tỷ đồng.

Đây là mức tăng khá thấp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu PNJ đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 22%/năm. Lợi nhuận tăng bình quân 37%/năm trong cùng giai đoạn.

Ban lãnh đạo PNJ nhận định năm 2020 là một năm thách thức hơn nữa đối với nền kinh tế Việt Nam khi tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 được dự báo sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Do đó năm nay, PNJ đặt mục tiêu "cân đối hài hòa giữa tăng trưởng trong ngắn hạn với việc "Nhấn nút tái tạo" lại chính mình để chuẩn bị các nền tảng mới vững chắc giúp cho PNJ phát triển bền vững - tăng trưởng vững chắc trong dài hạn.

Theo đó, PNJ cho biết sẽ phát triển thị trường theo chiều sâu, tập trung tái cơ cấu danh mục sản phẩm và tăng tốc cho các mảng kinh doanh mới.

Cũng trong năm nay, PNJ dự tính mở mới 31 cửa hàng, đồng thời cấu trúc lại mô hình vận hành bán lẻ. Song song, cấu trúc lại cơ cấu tổ chức và mô hình vận hành của hội sở.

Trước PNJ, một "ông lớn" ngành bán lẻ khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng đã công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.541 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ đồng (tăng trưởng 16%) so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, chuỗi Thế giới di động và Điện thoại siêu rẻ của MWG không ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong 2 tháng qua. Trong khi đó, doanh thu chuỗi Điện máy Xanh tăng 15%; còn chuỗi Bách hóa Xanh vẫn tăng trưởng khá mạnh: 155%.

Ban lãnh đạo MWG cho biết từ tháng 2/2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều diễn biến phức tạp. Công ty nhận thấy các cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh ngoài khu vực Hà Nội và TP. HCM ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn so với 2 thành phố chính (các cửa hàng ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm gần 80% tổng số lượng cửa hàng của MWG).

Trong khi đó, do kinh doanh nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh thu của các cửa hàng Bách hóa Xanh khá ổn định và đang có xu hướng tăng lên.

Để đối phó với diễn biến khó đoán định của dịch Covid-19, ban lãnh đạo MWG cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh (bao gồm online); cùng với đó, tập trung bán các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch nhằm gia tăng doanh thu.

Đặc biệt, MWG cho hay sẽ "lấy khó khăn làm cơ hội đẩy thị phần khi các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả".

Để giảm chi phí, MWG sẽ đàm phán giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh đối với tất cả các chuỗi, đồng thời thực hiện các biện pháp để tăng năng suất lao động, hạn chế tuyển dụng mới cho tới khi tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn, rà soát hoạt động vận hành tại cửa hàng và văn phòng để tiết giảm chi phí và chuẩn bị các kịch bản cần thiết để đối phó với từng cấp độ diễn tiến của dịch bệnh

Từ đầu tháng 2 đến nay, MWG đã chủ động chậm lại kế hoạch mở rộng (chỉ mở các cửa hàng Bách hóa Xanh đã chuẩn bị mặt bằng và nhân sự từ trước) để theo dõi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nhu cầu mua sắm các loại sản phẩm của khách hàng và xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.

"Cho đến thời điểm giữa tháng 3, tình hình kinh doanh không có nhiều đột biến so với cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến trầm trọng hơn và không kéo dài quá lâu, MWG kỳ vọng tổng doanh thu các tháng tới đây vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước", ban lãnh đạo MWG nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác