Tài chính quốc tế

Bị Nga ‘gây khó dễ’, Ukraine ‘dọa’ sẽ nhờ Liên hợp quốc và NATO can thiệp

(VNF) - Cáo buộc Nga đã phong tỏa con đường tiếp cận biển của Ukraine, Thứ trưởng Ukraine phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng George Tuka cho biết nước này đang cân nhắc việc đề nghị Liên hợp quốc hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hộ tống các tàu của nước này trên Biển Azov.

Bị Nga ‘gây khó dễ’, Ukraine ‘dọa’ sẽ nhờ Liên hợp quốc và NATO can thiệp

Ukraine cáo buộc Nga tăng cường đáng kể các hoạt động gây ảnh hưởng đến nước này trên vùng Biển Azov.

Trong 3 tháng trở lại đây, Ukraine liên tục cáo buộc Nga tăng cường đáng kể các hoạt động gây ảnh hưởng đến nước này trên vùng Biển Azov, ví dụ như việc làm chậm trễ các chuyến tàu chở hàng (đến và đi từ các cảng biển ở Ukraine).

Ngoài ra, Ukraine còn cáo buộc Nga khiến giá thành của các loại hàng hóa và chi phí vận chuyển chúng qua tuyến đường biển này bị đội lên đáng kể.

Theo Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine, trong khoảng thời gian từ ngày 29/4 đến 9/7, Nga đã bắt giữ tổng cộng 93 tàu thuyền đi tới Ukraine qua Eo biển Kerch (nối Biển Đen với Biển Azov) để kiểm tra mà không có lý do đặc biệt. Điều này đã gây thiệt hại cho các chủ tàu.

Trong khoảng thời gian từ ngày 29/4 đến 9/7, Nga đã bắt giữ tổng cộng 93 tàu thuyền đi tới Ukraine qua Eo biển Kerch.

Theo ông George, về mặt lý thuyết, Ukraine có hai phương án để giải quyết vấn đề này: một là nộp đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề nghị hỗ trợ đoàn hộ tống; hai là đề nghị NATO triển khai các lực lượng hộ tống tàu thuyền của Ukraine lưu thông qua eo biển Kerch.

Ukraine khai thác khu vực sâu nhất của Biển Azov tại các cảng Berdyansk và Mariupol, nơi độ sâu từ 8 đến 10 mét, có thể đón các tàu chở hàng trọng tải trung bình.

Từ khi bắt đầu triển khai xây dựng cầu Kerch nối liền bán đảo Crimea và lục địa Nga hồi tháng 4/2015, Nga buộc Ukraine phải dùng tàu vận tải hàng hóa cỡ nhỏ khi đi qua eo biển Kerch, sau đó chuyển tải trọng sang các tàu lớn hơn ở Biển Đen.

Điều đó đã khiến lượng trung chuyển hàng hóa tại cảng Mariupol ở Donetsk giảm tới 14%, giảm từ hơn 8,9 triệu tấn hàng hóa trong năm 2015 xuống chỉ còn 6,5 triệu tấn trong năm 2017.

Ukraine nói Nga cố tình thiết kết cầu Kerch có chiều cao thông thuyền thấp nhằm ngăn tàu lớn ra vào biển Azov qua eo biển Kerch.

Tình trạng xảy ra tương tự tại cảng Berdyansk ở Zaporizhzhia Oblast, lượng trung chuyển tải hàng hóa tại cảng này đã giảm tới 30%, từ 4,5 triệu tấn hàng hóa trong năm 2015 xuống 2,4 triệu tấn trong năm 2017.

Chuyên gia của tổ chức giám sát các hành động của Nga và Ukraina tại Crimea và Biển Đen, Klymenko, cáo buộc Nga cố tình thiết kết cầu Kerch có chiều cao thông thuyền thấp nhằm ngăn tàu lớn ra vào Biển Azov qua eo biển Kerch.

Theo truyền thông Ukraine, trước năm 2014, việc kiểm tra thủy thủ đoàn và hàng hóa trên các tàu hàng chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng sau khi cây cầu Kerch được xây dựng, thì quá trình kiểm tra này phải mất đến 88 giờ để hoàn thành.

Biển Azov là một nhánh của Biển Đen đồng thời là nơi Nga và Ukraine cùng chia sẻ một đường bờ biển.

Ông Yuriy Balan, Giám đốc cảng Mariupol (Ukraine), cho biết mỗi chuyến tàu bị trễ sẽ gây ra khoản thiệt hại lên đến 15.000 USD mỗi ngày. Trong đó, các công ty vận tải hợp tác với các cảng Berdyansk và Mariupol phải chịu thiệt nhiều nhất.

Bên cạnh giá hàng hóa và chi phí dịch vụ tăng cao là sự bất tiện khi các tàu hàng phải dừng lại để kiểm tra giữa chặng.

Phía Ukraine cho biết việc Nga cản trở các tàu hàng trên Biển Azov diễn ra thường xuyên, đồng thời cáo buộc Nga không chỉ cố tình gây thiệt hại, mà còn muốn đẩy Ukraine đến bờ vực phá sản.

Giới chức Ukraine lên án Nga, cho rằng nước này có âm mưu loại Ukraine khỏi vùng Biển Azov, với mục đích cuối cùng là biến khu vực này thành vùng nội thủy của Nga.

Cầu Kerch chính thức thông xe từ ngày 15/5, nối vùng Krasnodar ở miền nam Nga với Crimea sau 4 năm sáp nhập. Theo điện Kremline, tổng chi phí xây dựng cây cầu là 228 tỷ ruble (gần 3,69 tỷ USD). Với chiều dài 19 km, cầu Kerch phá vỡ kỷ lục của cầu Vasco da Gama ở Bồ Đào Nha để trở thành cầu dài nhất châu Âu.

Công trình này là một phần nỗ lực của Nga nhằm giúp Crimea sớm hội nhập với Nga. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng để kết nối giao thông, đây là một biểu tượng mang tính chính trị sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga vào năm 2014.

Ngoài ra, cây cầu có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào đường hàng hải khi di chuyển giữa miền nam Nga với Crimea.

Ngay từ khi Nga tiến hành xây dựng cây cầu này đã gây nhiều tranh cãi vì hầu hết quốc gia Liên hợp quốc (LHQ) vẫn công nhận Crimea là lãnh thổ của Ukraine mặc dù nó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Thêm vào đó, cây cầu cũng cản trở các tuyến đường thủy nối 3 khu vực của Ukraine với Biển Đen. Điều này có nghĩa là phương tiện giao thông trên biển từ 3 khu vực Donetsk, Đông Kherson hoặc Zaporozhye của Ukraine sẽ không thể đi đến Biển Đen hoặc xa hơn nữa nếu không được Nga cho phép.

Liên minh châu Âu (EU) đã lên án việc Nga khánh thành cầu vượt eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea là “hành động xâm phạm chủ quyền của Ukraine”.

Xem thêm >> Malaysia ‘dọa’ hủy loạt dự án tỷ USD, Trung Quốc nói ‘cần thương lượng’

Tin mới lên