Bị phản đối, Bộ Công thương bỏ 'giá 0 đồng' với điện mặt trời mái nhà

Xuân Thạch - 07/06/2024 14:10 (GMT+7)

(VNF) - Trước những tranh cãi vì quy định "giá 0 đồng" đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, mới đây Bộ Công Thương đang trình Bộ Tư pháp thẩm định về việc thay thế quy định này bằng quy định "tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức"

Cụ thể, cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán" ở bản dự thảo cũ đã được loại bỏ ở bản mới. Thay vào đó, Bộ Công thương nêu "phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức".

Theo đó, điểm mới là quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt trên 1 MW và lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa và kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Thay cho đề xuất trước đó là 500kWp.

Đồng thời, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại các khu vực đăng ký phát triển.

Riêng về việc phát triển điện điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới vẫn giữ nguyên đề xuất "ưu tiên phát triển không giới hạn công suất".

Dự thảo mới cũng nêu rõ, công trình xây dựng hiện hữu trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm đã tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, theo đó đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu UBND cấp tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với đơn vị điện lực địa phương, rà soát và công khai trên cổng thông tin quy mô công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối lưới theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) về tổng công suất đã được cấp giấy chứng nhận phát triển và tổng công suất còn lại.

Thời điểm công khai nội dung này cần thực hiện hàng ngày và ngay sau khi có sự thay đổi về công suất phát triển.

Với các tổ chức, cá nhân có dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển trước ngày 1/1/2021 (trước khi hết giá FIT) và đang thực hiện bán điện với đơn vị điện lực, dự thảo mới quy định: không được đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại cùng địa điểm. Việc này nhằm tránh trục lợi việc đấu nối vào hệ thống mua bán đã có sẵn.

Còn những dự án phát triển sau ngày 31/12/2020 (sau thời điểm hết FIT) sẽ phải thực hiện theo các quy định nêu trên.

Trước đó, đối với dự thảo nghị định này, Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công Thương… trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi nghị định được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, Thường trực Chính phủ cũng chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này.

Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ‘Mua điện mặt trời mái nhà, cổ súy cho trục lợi chính sách’

Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ‘Mua điện mặt trời mái nhà, cổ súy cho trục lợi chính sách’

Thị trường
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục khẳng định, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà, thì vô hình trung “chúng ta” cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách.
Cùng chuyên mục
Tin khác