Tài chính quốc tế

Biểu tình Myanmar: Hơn 2.000 người bị bắt, 60 người tử vong

(VNF) - Hơn 2.000 người biểu tình bị bắt và 60 người tử vong kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền ngày 1/2, theo báo cáo của Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP).

Biểu tình Myanmar: Hơn 2.000 người bị bắt, 60 người tử vong

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính lan rộng khắp Myanmar sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành hôm 1/2.

Cụ thể, hãng tin Reuters ngày 11/3 dẫn báo cáo của AAPP cho biết: “Tính đến ngày 10/3, có 2.008 người đã bị bắt giữ. Hiện tại, 1.689 người vẫn đang bị giam, trong đó có 3 người bị kết án tù”.

Danh sách chính thức do AAPP nhận được cho thấy chỉ riêng hôm 10/3 đã có 69 người bị bắt giữ và hàng chục người bị thương. 

Theo số liệu của tổ chức này, sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền, "hơn 60 người đã thiệt mạng do hậu quả đàn áp biểu tình gay gắt".  

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính lan rộng khắp Myanmar sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành hôm 1/2. Nhiều người dân đã bất chấp lệnh giới nghiêm, tổ chức các buổi thắp nến ở nhiều khu vực của Yangon và Myingyan trong ngày 11/3.

Phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, ngày 11/3 cho biết hội đồng quân sự cầm quyền của nước này sẽ chỉ điều hành đất nước trong khoảng một thời gian nhất định, sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao quyền lực cho đảng nào giành chiến thắng.

Trước đó một ngày, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã họp và thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về tình hình ở Myanmar, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/2 cũng như bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này.

Ở động thái liên quan mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/3 đã đưa vào danh sách đen Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, hai người con đã trưởng thành của Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hiện là người đứng đầu Hội đồng hành chính nhà nước Myanmar.

Theo Reuters, việc hai người con của ông Min Aung Hlaing bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen đồng nghĩa tài sản của họ ở Mỹ (nếu có) sẽ bị đóng băng. Các giao dịch giữa người Mỹ với hai cá nhân này và 6 công ty do họ kiểm soát cũng bị cấm.

Trong một tuyên bố riêng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Washington sẽ có thêm các hành động với chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời lên án việc chính quyền nước này bắt giữ hàng nghìn người dân.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây cũng đã đình chỉ việc cung cấp tài chính cho chính quyền Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự ở nước này. ADB đã cung cấp tổng cộng 2,4 tỷ USD vốn vay cho Myanmar trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019. Cho đến nay, ngân hàng đã tham gia vào hai dự án chính phủ về cải tạo cơ sở hạ tầng đường bộ.

Xem thêm >> Việt Nam kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực tại Myanmar

Tin mới lên