Thế giới tuần qua: 600 cảnh sát Myanmar tham gia biểu tình, Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng

Thanh Tú - 06/03/2021 13:29 (GMT+7)

(VNF) - Hơn 600 cảnh sát Myanmar tham gia biểu tình phản đối đảo chính, WHO sẽ công bố kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19 vào giữa tháng 3, Trung Quốc tăng 6,8% ngân sách quốc phòng năm 2021, Mỹ trừng phạt loạt quan chức và công ty Nga là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Số lượng cảnh sát Myanmar xin từ chức đã tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi quân đội nước này bắt đầu có các biện pháp cứng rắn hơn nhằm giải tán đám đông biểu tình.

Hơn 600 cảnh sát Myanmar tham gia biểu tình phản đối đảo chính

Theo tờ Irrawaddy, tính đến ngày 4/3, đã có hơn 500 cảnh sát Myanmar đã từ chức và tham gia phong trào biểu tình bất tuân dân sự (CDM) và thêm ít nhất 100 người gia nhập trong ngày 5/3, nâng tổng số lên hơn 600 người.

Tờ The Irrawaddy dẫn lời một cảnh sát ở Naypyidaw cho hay những cảnh sát tham gia biểu tình phản đối đảo chính thuộc nhiều lực lượng như Cục Điều tra Hình sự, Cục Đặc nhiệm, Cảnh sát Du lịch, Cảnh sát An ninh…

Số lượng cảnh sát xin từ chức đã tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi quân đội Myanmar bắt đầu có các biện pháp cứng rắn hơn nhằm giải tán đám đông biểu tình.

Cảnh sát tham gia CDM tuyên bố họ sẽ chỉ chấp nhận một chính phủ được bầu. Một số đơn từ chức của cảnh sát nhấn mạnh rằng họ không muốn thực hiện mệnh lệnh của hội đồng quân sự và từ chức để đứng về phía người dân.

Hãng tin Reuters ngày 4/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết ít nhất 19 sĩ quan đã chạy từ Myanmar đến bang Mizoram ở Ấn Độ để yêu cầu tị nạn chính trị.

Theo Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener, tổng số người chết do biểu tình chống chính quyền quân sự cho đến ngày 3/3 đã lên hơn 50 người. Ngoài ra, có hàng trăm người biểu tình đã bị bắt.

WHO sẽ công bố kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19 vào giữa tháng 3

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/3 cho biết kết quả điều tra nguyên nhân đại dịch Covid-19 của nhóm chuyên gia WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc sẽ được công bố vào giữa tháng 3.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva ngày 5/3, ông Peter Ben Embarek, trưởng đoàn công tác của WHO, cho biết nhóm chuyên gia sẽ không đưa ra một báo cáo tóm tắt sơ lược như kế hoạch trước đó, mà sẽ công bố báo cáo đầy đủ quá trình điều tra.

WHO thời gian gần đây đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì cuộc điều tra bị trì hoãn trong thời gian dài cũng như về tính minh bạch. Nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tháng 1 và điều tra trong 4 tuần nhưng bị hạn chế tiếp cận với các điểm thực địa cũng như người dân địa phương.

Theo nhà khoa học Dominic Dwyer, một thành viên của nhóm điều tra, Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca bệnh đầu tiên cho nhóm điều tra, mục đích có thể nhằm gây khó khăn cho việc tìm ra nguồn gốc đại dịch.

Khi kết thúc chuyến công tác tại Trung Quốc tháng trước, ông Ben Embarek, một chuyên gia của WHO về các bệnh lây nhiễm từ vật sang người, nói rằng virus virus SARS- CoV-2 rất có thể bắt nguồn từ dơi, mặc dù không chắc chắn về cách thức mầm bệnh này đã lây sang người như thế nào.

Ông Ben Embarek cũng bác bỏ dứt khoát giả thuyết cho rằng virus SARS- CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm.

Trung Quốc tăng 6,8% ngân sách quốc phòng năm 2021

Theo dự thảo được trình lên Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2021 sẽ tăng 6,8%, vào khoảng 1.350 tỷ Nhân dân tệ (209 tỷ USD).

Theo đó, chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức dưới 1.000 Nhân dân tệ/người (tương đương 154 USD/người).

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc áp dụng cơ chế phân bổ tài chính và quản lý ngân sách nghiêm ngặt đối với chi tiêu quốc phòng, trong đó chủ yếu dùng cho mục đích về nhân sự, huấn luyện và củng cố lực lượng, trang thiết bị.

Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc nhìn chung tương xứng với năng lực phát triển kinh tế của nước này.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã chi hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ để hiện đại hóa quân đội nhằm cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây khác, trong đó có việc đóng thêm tàu sân bay, tăng cường các hệ thống vũ khí siêu thanh, máy bay chiến đấu tàng hình.

Mỹ trừng phạt loạn quan chức và công ty Nga

Trong một động thái được xem là đối đầu trực diện nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/3 đã tuyên bố áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao của Nga sau kết luận của tình báo nước này rằng Nga đứng sau vụ "đầu độc" Alexei Navalny.

Những quan chức Nga có tên trong danh sách trừng phạt lần này bao gồm Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov; trưởng ban chính sách đối nội của Điện Kremlin Andrei Yarin; và hai Thứ trưởng Quốc phòng Alexei Krivoruchko và Pavel Popov.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết họ đã đưa Sergei Kiriyenko, cựu thủ tướng, hiện là phó chánh văn phòng thứ nhất của Tổng thống Putin; Alexander Kalashnikov, giám đốc Cơ quan Nhà tù Liên bang Nga và Tổng Công tố Igor Krasnov vào danh sách đen.

Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, những người này sẽ bị hạn chế thị thực đến Mỹ, tất cả tài sản ở Mỹ đều bị đóng băng và người dân Mỹ bị cấm giao dịch với họ. Ngoài ra, bất kỳ người nước ngoài nào cố tình "dàn xếp một giao dịch quan trọng” cho họ đều có nguy cơ bị trừng phạt.

Thêm vào đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/3 cũng tuyên bố sẽ bổ sung 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất tác nhân sinh học và hóa học của Nga vào danh sách đen.

14 thực thể này bao gồm 10 công ty của Nga (Trung tâm Khoa học số 27 của Bộ Quốc phòng Nga, Chimmed Group, Femteco, Interlab, LabInvest, OOO Analit Products, OOO Intertech Instruments, Pharmcontract GC, Rau Farm, Regionsnab); 3 công ty Đức (Chimconnect Gmbh, Pharmcontract Gmbh, Riol-Chemie) và 1 công ty Thụy Sĩ (Chimconnect AG).

Theo đó, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm của các công ty này sang Mỹ đều sẽ bị từ chối cấp phép. Ngoài ra, những đối tượng giao dịch với các công ty này cũng có nguy cơ bị Mỹ áp đặt trừng phạt.

Đáp trả lại động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ sớm công bố danh sách các công dân Mỹ sẽ bị Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Xem thêm >> Myanmar: Lo hệ thống ngân hàng sụp đổ, người dân ồ ạt rút tiền mặt

Cùng chuyên mục
Tin khác