'Big 4' ngân hàng lại nóng chuyện tăng vốn điều lệ

Nhuệ Mẫn - 27/12/2020 11:14 (GMT+7)

4 ngân hàng nhà nước sở hữu chi phối, cũng là 4 ngân hàng quy mô lớn nhất hệ thống (big4), luôn gặp vấn đề tăng vốn điều lệ không kịp quy mô tăng trưởng. Kiến nghị tăng vốn là đề xuất nhiều năm của lãnh đạo các ngân hàng này.

VNF
Toàn cảnh hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết sau 4 năm tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phục vụ tốt các nhu cầu dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế.

Cụ thể, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đến 31/10/2020 là 13,18 triệu tỷ, gấp 1,6 lần năm 2016, bằng 2,2 lần GDP, chiếm 66% tài sản của hệ thống tài chính; là kênh huy động và phân phối vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Bốn ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Agribank, VCB, Vietinbank), theo ông Tú, đã phát huy được vai trò chủ đạo, chủ lực về quy mô, khả năng điều tiết thị trường.

Hiện nay, với quy mô thị phần lớn (chiếm 40,87% tổng tài sản, 46,9% tổng dư nợ, 44% huy động vốn), 4 ngân hàng thương mại nhà nước luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, kéo giảm lãi suất.

“Đầu tư phát triển cân đối các vùng miền, thực hiện tốt công tác an sinh - xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, cùng toàn ngành ngân hàng phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Tú nói.

Để tiếp tục tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, thời gian qua vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước có được cải thiện, nhưng sự cải thiện đó, theo ông Tú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam vốn có tốc độ tăng trưởng cao.

Ông Tú nói: “Với vốn điều lệ các ngân hàng nhà nước hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng trong khu vực”.

Như BIDV, ông Tú cho biết, hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II. Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu. (Trong 3 năm 2017. 2018, 2019 BIDV đã nộp cổ tức cho ngân sách là 22%, 2 năm 2019, 2020, BIDV nộp ngân sách là 13.800 tỷ đồng – 2019: 8.160 tỷ đồng; 2020: 5.640 tỷ đồng)

Cùng câu chuyện tăng vốn, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, kiến nghị phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của nhà nước cho thời gian 5 năm để tránh bị động, đáp ứng được nhu cầu hoạt động.

Ví dụ đối với Agribank, ông Ấn cho biết, tới đây mặc dù được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ của năm 2019 thì hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6% và nếu tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7%, thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, trong năm 2021 Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm.

“Vì vậy, trước mắt kính đề nghị NHNN cần có biện pháp khẩn cấp là áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP”, ông Ấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Ấn cho biết, Agribank đang thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất của Chính phủ như Nghị quyết 30A, Nghị định 67 và nhà nước cần cấp bù cho Agribank lũy kế mấy năm qua trên 2.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà nước vẫn chưa bố trí được vốn ngân sách để quyết toán cho Agribank. Vì vậy, ông Ấn đề nghị ưu tiên sớm giải quyết cho Agribank.

Đối với câu chuyện cổ phần hóa Agribank, ông Ấn cho biết, hội đồng thành viên, ban điều hành Agribank sẵn sàng và rất mong muốn để Agribank sớm được hoạt động theo mô hình ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên việc này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Theo ông Ấn, quy định tại Nghị định 126/2017 và Nghị định 140/2020 để Agribank cổ phần hóa xong sẽ mất khoảng 2 năm nếu triển khai thủ tục thuê tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Kinh nghiệm từ Vietcombank, VietinBank, BIDV cho thấy sau khi cổ phần hóa khoảng 4-5 năm, cổ phiếu được niêm yết, thông tin minh bạch hơn thì nhà đầu tư nước ngoài mới thực sự quyết định đầu tư. Vì vậy, để có thể sớm chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần, giảm thủ tục, chi phí cổ phần hóa, Chính phủ cho phép Agribank thí điểm cổ phần hóa theo 2 giai đoạn:

“Giai đoạn 1, cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Agribank với một tỷ lệ danh nghĩa, dưới 1%. Theo đó, cho phép thuê tư vấn định giá trong nước định giá, có thẩm định của Kiểm toán Nhà nước. Như vậy, không có thất thoát vốn; Agribank tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong vòng 6 tháng sau khi cổ phần hóa.

"Giai đoạn 2, sau một thời gian niêm yết trên thị trường chứng khoán, mọi thông tin về Agribank được minh bạch, nhiều tồn tại của Agribank đã được khắc phục, giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ dễ dàng hơn”, ông Ấn nói.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác