Ngân hàng tuần qua: Tăng trưởng tín dụng vượt 10%, ABBank sắp lên sàn

Hải Đường - 26/12/2020 15:43 (GMT+7)

(VNF) - ABBank lên sàn ngày 28/12 với định giá hơn 8.500 tỷ đồng; BIDV sắp bán đấu giá khoản nợ 164 tỷ đồng của Tincom Group; kiều hối chuyển về TP. HCM năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD; người nhà ban lãnh đạo VIB đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF
ABBank sẽ lên sàn vào ngày 28/12 tới đây.

ABBank lên sàn ngày 28/12, định giá hơn 8.500 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu ABB của Ngân hàng TMCP An Bình sẽ giao dịch tại hệ thống UPCoM vào ngày 28/12 tới đây, với giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường của ABBank tại thời điểm chào sàn vào khoảng hơn 8.500 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu mà ABBank đăng ký giao dịch là hơn 571 triệu đơn vị, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 5.713 tỷ đồng.

Được biết, ĐHCĐ thường niên năm 2020 của ABBank đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu của ngân hàng này, trường hợp điều kiện niêm yết chưa thuận lợi và để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông thì HĐQT thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM chậm nhất trước thời điểm kết thúc năm 2020, tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, việc cổ phiếu ABB giao dịch tại hệ thống UPCoM vào ngày 28/12 tới đây đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra của ban lãnh đạo ABBank.

>>> Xem thêm: ABBank lên sàn ngày 28/12, định giá hơn 8.500 tỷ

BIDV sắp bán đấu giá khoản nợ 164 tỷ đồng của Tincom Group - chủ đầu tư dự án Imperial Plaza

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group).

Theo đó, toàn bộ nợ gốc, lãi vay và lãi phạt của Tincom tại BIDV tính đến ngày 21/10/2020 là hơn 164 tỷ đồng. Giá khởi điểm được đưa ra bằng tổng giá trị khoản nợ.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm 3 quyền đòi nợ được ký kết theo hợp đồng kinh tế giữa Tincom Group với Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông NVT và Thương mại Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành An.

Ngoài ra, 3 động sản là xe ô tô Lexus (BKS: 51A - 108.58), cần trục tháp Model LT5517A-8 và xe ô tô BMW (BKS: 30Z – 5806) cũng là tài sản đảm bảo của khoản nợ này.

BIDV hiện đang tiến hành lựa chọn tổ chức bán đấu giá cho khoản nợ của Tincom. Thời hạn nộp hồ đăng ký là 7 ngày kể từ 21/12/2020. Sau khi tìm được tổ chức đấu giá thích hợp, khoản nợ của Tincom tại BIDV dự kiến được phát mãi trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu, Tincom Group là chủ đầu tư của dự an Imperial Plaza 360 Giải Phóng, dự án từng dính lùm xùm trong thời gian trước đó khi người dân căng băng rôn tố chủ đầu tư chưa bàn giao sổ đỏ cùng quỹ bảo trì.

Ngoài ra, Tincom Group cũng là chủ đầu tư của dự án Tincom Pháp Vân (nay đã đổi tên thành Dragon Riverside Tincom) ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Tincom được UBND TP. Hà Nội trao quyết định đầu tư dự án từ tháng 10/2009. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thiện và chưa thể đi vào sử dụng.

>>> Xem thêm: BIDV sắp bán đấu giá khoản nợ 164 tỷ đồng của Tincom Group - chủ đầu tư dự án Imperial Plaza

Kiều hối chuyển về TP. HCM năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, trong năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của kiều bào ở nước ngoài nhưng lượng kiều hối chuyển về TP. HCM vẫn ổn định. Ước tính trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng so với mức 5,3 tỷ USD năm 2019.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020; theo đó, Việt Nam được dự báo giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Nếu điều này trở thành sự thật thì đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010.

Những năm gần đây, kiều hối về TP. HCM tăng bình quân khoảng 8 - 10% hằng năm, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Úc, Đài Loan... Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn vì có lượng kiều bào khá lớn và những người này chủ yếu đi từ các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt từ TP. HCM.

Chính vì vậy, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM từ trước đến nay chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 40% kiều hối cả nước. Đây cũng là một yếu tố lý giải cho lượng kiều hối quý III, quý IV tại TP. HCM tăng hơn so với trước.

>>> Xem thêm: Kiều hối chuyển về TP. HCM năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD

Người nhà ban lãnh đạo VIB đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu

Theo thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ mà Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) vừa công bố, người nhà của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ Trần Thị Thu Hương và người nhà của thành viên HĐQT Đỗ Xuân Hoàng đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu VIB trong thời gian từ ngày 28/12/2020 đến ngày 26/1/2021.

Cụ thể, ông Đỗ Xuân Thụ, cha đẻ của ông Đỗ Xuân Hoàng - thành viên HĐQT VIB, đăng ký bán ra 2,5 triệu trong số hơn 46,1 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ để cơ cấu tài chính cá nhân.

Sau giao dịch, ông Đỗ Xuân Thụ dự kiến hạ tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này xuống còn 3,9%, tương đương hơn 43,6 triệu cổ phiếu VIB.

Về phía ông Đỗ Xuân Hoàng, thành viên HĐQT VIB hiện đang nắm giữ hơn 55,5 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,99% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, ông Trần Đức Quý, cha đẻ của giám đốc khối ngân hàng bán lẻ, bà Trần Thị Thu Hương, đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu VIB để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 1%, tương đương hơn 11,1 triệu cổ phiếu. Bà Trần Thị Thu Hương hiện đang nắm giữ 7,2 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,65%.

Chiếu theo thị giá của VIB trên thị trường chứng khoán, ước tính ông Đỗ Xuân Hoàng sẽ thu về 80 tỷ đồng từ chiều bán ra, còn ông Trần Đức Quý sẽ phải chi ra 32 tỷ đồng từ chiều mua vào.

>>> Xem thêm: Người nhà ban lãnh đạo VIB đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu

Kiến nghị thống nhất không áp thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng

Tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2020 (VBF 2020), Nhóm công tác thuế & hải quan đã đề cập đến vấn đề áp dụng thu thuế giá trị gia tăng trên dịch vụ L/C trong báo cáo của mình.

Theo đó, nhóm cho biết từ trước đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều áp dụng thống nhất đối với các khoản thu về phát hành và xử lý chứng từ L/C là thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, trong các đợt thanh tra/ kiểm tra thuế do Tổng Cục Thuế và Kiểm toán Nhà nước tiến hành từ năm 2018 trở lại đây tại các ngân hàng, các cơ quan chức năng đã có quan điểm khác nhau và sau một thời gian nghiên cứu xem xét họ đã áp thuế suất giá trị gia tăng 10% đối với toàn bộ các sản phẩm L/C của ngân hàng và truy thu thuế, xử lý phạt vi phạm hành chính và tính tiền chậm nộp tiền thuế liên quan.

Nhóm Công tác Thuế & Hải quan VBF kiến nghị không áp dụng thuế GTGT đối với các loại hình thư tín dụng có tính chất cung cấp tín dụng hay bảo lãnh ngân hàng đúng với tinh thần của Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật Thuế GTGT và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành những luật này.

“Nếu thay đổi cách áp dụng thuế GTGT đối với thư tín dụng có tính chất cung cấp tín dụng hay bảo lãnh ngân hàng thì cũng chỉ nên áp dụng từ giờ trở đi và không truy thu, phạt hành chính, tính lãi chậm nộp thuế. Tuy nhiên để làm điều này chúng tôi cho rằng Luật các tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn và Luật thuế GTGT cần phải được sửa đổi lại”, báo cáo của nhóm nêu rõ.

>>> Xem thêm: Kiến nghị thống nhất không áp thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng

Tăng trưởng tín dụng vượt 10%

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019.

Các biện pháp điều hành lãi suất từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay tính đến hết tháng 11/2020 giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Liên quan đến việc điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến ngày 21/12/2020, dư nợ tín dụng đã tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so cùng kỳ 2019.

Về nợ xấu, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm. 

Phía Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

>>> Xem thêm: Tăng trưởng tín dụng vượt 10%

Trạng thái “bình thường mới” của lãi suất

Tính trung bình 4 tháng cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 1,56% mỗi tháng; trong khi đó chia trung bình 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,59% mỗi tháng.

Tốc độ tăng chênh lệch tới gần 3 lần phản ánh dư nợ tín dụng đang bứt phá rất nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được khống chế rất tốt tại Việt Nam, nhu cầu vay vốn theo đó cũng gia tăng mạnh mẽ.

Thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu như tăng trưởng tín dụng bứt tốc trở lại thì áp lực huy động vốn sẽ tăng lên đáng kể, đẩy mặt bằng lãi suất dâng lên. Tuy nhiên thực tế đang không cho thấy điều này khi mặt bằng lãi suất hiện vẫn giữ ở mức thấp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh gọi đây là trạng thái "bình thường mới" của lãi suất. "Tôi có niềm tin là lãi suất sẽ thấp và sẽ thấp kéo dài. Đây sẽ là trạng thái bình thường mới của lãi suất", ông Linh nhấn mạnh.

Trên cương vị là lãnh đạo điều hành ngành ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng không nghiêng về khả năng lãi suất sẽ đảo chiều tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

Giới phân tích cũng đồng quan điểm rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp.

"Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng", chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nêu quan điểm.

>>> Xem thêm: Trạng thái “bình thường mới” của lãi suất

Cùng chuyên mục
Tin khác