Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sắp giải trình về thị trường xăng dầu

Kỳ Thư - 24/02/2023 19:38 (GMT+7)

(VNF) - Dự kiến ngày 28/2, Ủy ban kinh tế của Quốc hội sẽ chủ trì phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu.

VNF
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu hai Bộ Công Thương - Tài chính giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và trách nhiệm quản lý.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có văn bản mời các doanh nghiệp xăng dầu tham dự phiên giải trình về tình hình xăng dầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Ủy ban Kinh tế sẽ chủ trì phiên giải trình vào ngày 28/2.

Cùng với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước cũng đã nhận được giấy mời tham dự phiên giải trình này.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương... về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, các doanh nghiệp cho biết Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện có nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng trong thời gian dài, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn, thiếu hụt xăng dầu.

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho rằng chi phí, lợi nhuận định mức xăng dầu cần phải chia 3 khâu gồm đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Theo ông, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ phải bằng 5% - 6% giá bán, còn lại cơ quan chức năng trực thuộc cần tính toán cho hợp lý.

Ngoài ra, nghị định về kinh doanh xăng dầu cần phải có quy định về mức chiết khấu tối thiểu, cụ thể xem chiết khấu như một khoản chi phí trong kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống biến động của thị trường.

Tương tự, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang, đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3% - 5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2% - 2,5%.

Cùng chuyên mục
Tin khác