Bộ Tài chính: Các chỉ tiêu nợ năm 2021 vẫn trong giới hạn an toàn

Minh Đức - 06/01/2022 07:43 (GMT+7)

(VNF) - Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, các chỉ tiêu nợ của Việt Nam đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn.

VNF
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại: Các chỉ tiêu nợ năm 2021 của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn.

Tại hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó cục trưởng, cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 39,0% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước dưới 23%. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) khoảng 6,3%.

Trong năm 2021, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tham mưu ký kết 12 hiệp định vay cụ thể với tổng trị giá 958,27 triệu USD, hoàn thành đàm phán hoặc trao đổi kỹ thuật về 11 hiệp định vay khác với trị giá 924 triệu USD.

Tính đến thời điểm báo cáo, lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc dự toán chi đầu tư công của ngân sách trung ương ước đạt 13.795,28 tỷ đồng, bằng 26,76% kế hoạch. Trong đó, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt 8.236,86 tỷ đồng, bằng 23,59%; giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 5.558,42 tỷ đồng, bằng 33,41%.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chỉ ra một số mặt còn hạn chế  trong công tác quản lý vốn ODA, vốn vay nước ngoài. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần tiếp thu để hoàn thiện, sửa đổi, khắc phục, đặc biệt là làm sao để quản lý vốn ODA, vốn vay nước ngoài hiệu quả, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2022.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trong năm 2022 tiếp tục rà soát lại việc đàm phán các hiệp định khung và hiệp định vay cụ thể, trong đó, ngoài các điều kiện, điều khoản, cần lưu ý các khoản vay có điều kiện ràng buộc như điều kiện về đấu thầu hạn chế, về thuế;

Thẩm định các chương trình, dự án chặt chẽ, làm rõ sự cần thiết của các dự án, cơ chế tài chính đảm bảo hiệu quả; cần phối hợp với các bộ, ngành để giải ngân vốn nhanh, tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án;

Đồng thời, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền về các khoản bảo lãnh, vay về cho vay lại đang gặp vướng mắc để có biện pháp xử lý; rà soát để thanh toán trả nợ đúng hạn, nhất là nợ dự phòng; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý vốn viện trợ không hoàn lại; đánh giá về khả năng huy động thêm nguồn lực cho gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế.

Xem thêm: Hàng loạt xe mô tô phân khối lớn của Yamaha Việt Nam sắp ra mắt thị trường dịp Tết 2022

Cùng chuyên mục
Tin khác