Bộ trưởng Tài chính: 'Trái phiếu ấm trở lại, bảo hiểm hoạt động quy củ hơn'
Thanh Long -
25/10/2023 16:09 (GMT+7)
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cũng như nhiều lĩnh vực khác, thị trường tài chính, trong đó nổi bật là thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng đã chịu tác động rất lớn từ biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các thị trường tài chính đang dần ổn định trở lại và hồi phục.
Trái phiếu ấm trở lại, bảo hiểm hoạt động quy củ hơn
Trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cũng như nhiều lĩnh vực khác, thị trường tài chính, trong đó nổi bật là thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng đã chịu tác động rất lớn từ biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các thị trường tài chính đang dần ổn định trở lại và hồi phục.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu sự biến động lớn, nhưng thị trường vẫn được đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, thanh khoản và đang chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn.
Thể thế, khung khổ pháp lý đang được rà soát, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh mới. Chất lượng hàng hóa trên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang rất nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ đẩy mạnh, đang có nhiều tín hiệu ấm dần trở lại. "Bên cạnh việc thị trường trái phiếu sơ cấp dần lấy lại niềm tin khi có nhiều doanh nghiệp phát hành hơn, thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp đã vận hành được hơn 3 tháng với thanh khoản khá và thông tin minh bạch hơn", Bộ trưởng cho hay.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay đã hoạt động quy củ, chất lượng, minh bạch hơn sau sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và nhiều đơn vị liên quan.
"Dù vậy, chúng ta cũng hiểu rằng: để đạt được mục tiêu như Trung ương, Quốc hội yêu cầu thì còn nhiều giải pháp đồng bộ cần tiếp tục triển khai. Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, đóng góp thực chất hơn nữa vào kinh tế đất nước với phương châm doanh nghiệp mạnh thì thị trường phát triển tốt, bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Kinh tế khó khăn, phải "nuôi dưỡng nguồn thu" nhưng cũng cần chống thất thu
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết tới lúc này có thể khẳng định: Thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất.
"Việc thu ngân sách tốt gắn liền với sức sống của nền kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp. Tất nhiên, tăng trưởng thấp cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng ngành tài chính sẽ nỗ lực hơn nữa để “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” và cũng không để lọt các khoản thu theo luật", Bộ trưởng nêu định hướng.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm nay đòi hỏi phải có nỗ lực cao, sáng tạo và linh hoạt. Tất nhiên, đạt được nhiệm vụ đó nếu chỉ một mình ngành Tài chính thì không đủ mà nhiệm vụ này còn là kết quả của sự đồng thuận rất cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2023 này, Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ chi vẫn rất lớn, trong khi nguồn thu ngày càng khó vì kinh tế khó khăn chung; từ đó tạo áp lực lên việc cân đối thu – chi trong bối cảnh khó khăn dự báo còn kéo dài. Tuy vậy, Bộ Tài chính đã quán triệt và đặt quyết tâm cao nhất để đạt kế hoạch thu ngân sách đã đề ra.
Bước sang năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng các kịch bản để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các kịch bản để điều hành công tác ngân sách nhà nước hiệu quả trong năm tới.
"Chúng tôi xác định, khó khăn của công tác tài chính – ngân sách sẽ còn tiếp diễn, do đó, việc đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế là mục tiêu rất quan trọng. Theo phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng, ngành Tài chính sẽ nỗ lực cao nhất để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu – chi ngân sách, vừa đảm bảo công tác tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất", Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Hiện tại nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dẫn vẫn được duy trì và đề xuất thêm, điển hình là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chính sách giảm thuế VAT 2% trong nửa đầu năm 2024, giảm 50% thuế BVMT cho xăng dầu cả năm. Song hành với các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, ngành Tài chính cũng sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dựng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính… để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phát triển và đóng góp lớn hơn, bền vững hơn vào nguồn thu đất nước.
"Chúng tôi cho rằng đây là cách “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” rất cần thiết nhưng đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển", Bộ trưởng cho hay.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.