Tài chính quốc tế

'Bom nợ' bất động sản China Evergrande đệ đơn xin phá sản tại Mỹ

(VNF) - China Evergrande, công ty phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và "nạn nhân" hàng đầu của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại tòa án phá sản Mỹ vào ngày 17/8.

'Bom nợ' bất động sản China Evergrande đệ đơn xin phá sản tại Mỹ

"Bom nợ" Trung Quốc đã đệ đơn phá sản theo Chương 15 của luật phá sản Mỹ.

Theo CNN, "bom nợ" Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, cho phép tòa án về phá sản của Mỹ công nhận một thủ tục phá sản hoặc tái cơ cấu nợ liên quan đến nước ngoài. 

Phá sản theo Chương 15 trao cho các chủ nợ nước ngoài quyền tham gia vào các vụ phá sản của Mỹ và cấm phân biệt đối xử đối với các chủ nợ nước ngoài đó.

Tháng trước, Evergrande công bố khoản lỗ lên tới 81 tỷ USD tiền của cổ đông vào năm 2021 và 2022, theo một hồ sơ giao dịch chứng khoán. Hồ sơ cũng tiết lộ rằng tổng số nợ của Evergrande đã lên tới 2,437 nghìn tỷ NDT (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái - tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Evergrande đã công bố kế hoạch tái cấu trúc trị giá hàng tỷ USD để trả nợ cho các chủ nợ quốc tế sau màn vỡ nợ lịch sử vào năm 2021. Với tổng nợ phải trả hơn 270 tỷ USD, kế hoạch này trở thành kế hoạch tái cơ cấu nợ lớn nhất từ ​​​​trước đến nay của Trung Quốc. 

Evergrande cho biết trong một hồ sơ công bố kế hoạch: “Việc tái cấu trúc được đề xuất sẽ giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của công ty để tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề về nợ.

Được coi là "bom nợ" với tổng nợ trái phiếu lên tới 330 tỷ USD, màn vỡ nợ của Evergrande đã trở thành hồi chuông cảnh báo đầu tiên trong ngành bất động sản Trung Quốc, gây nguy cơ lây lan khi ngành công nghiệp này trải qua cuộc khủng hoảng tệ nhất lịch sử.

Hồ sơ của Evergrande được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ của ngành diễn ra vào giữa năm 2021, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ.

Gần đây, sức khỏe tài chính của Country Garden, nhà phát triển tư nhân lớn nhất Trung Quốc, cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng sau khi công ty bỏ lỡ một số khoản thanh toán lãi trong tháng này.

Xem thêm >> Country Garden khủng hoảng nợ chấn động Trung Quốc: Từ vốn hóa 50 tỷ USD đến cổ phiếu penny dưới 0,2 USD

Tin mới lên