Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Công ty Cổ phần đầu tư VCI (VCI Group) là một trong những chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản, khách sạn lớn tại Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 5/3/2010 và "đóng quân" tại số 83 đường Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức vụ tổng giám đốc của VCI Group là ông Nguyễn Hải Hưng. Danh sách cổ đông sáng lập của VCI Group bao gồm 5 người là ông Nguyễn Phú Hiệp, ông Lê Tiến Thắng, ông Bùi Đức Lâm, ông Nguyễn Việt Tuấn và ông Lưu Văn Hào. Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2017, ông Thắng nắm giữ hơn 88% cổ phần. Đến năm 2018, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Thắng tăng lên 91,7%.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Phú Hiệp và ông Lê Tiến Thắng cũng là 2 cổ đông tại trạm BOT Cai Lậy. Đây là trạm BOT từng có nhiều "tai tiếng" khi liên tiếp vấp phải sự phản đối của người dân và các tài xế lưu thông qua khu vực.
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Phú Hiệp là giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – doanh nghiệp dự án triển khai và vận hành trạm BOT Cai Lậy. Ông Hiệp cũng là một cổ đông nắm hàng chục tỷ đồng vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, đơn vị sở hữu tới 65% dự án BOT Cai Lậy.
Năm 2017, Bắc Ái đã hoàn tất tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Các cổ đông của Bắc Ái đều là cổ đông cá nhân, gồm ông Lê Văn Duẩn góp 5% vốn, ông Lê Thanh Bình nắm giữ 10%, ông Nguyễn Phú Hiệp góp 3% và cổ đông lớn nhất là ông Lê Tiến Thắng với tỷ lệ sở hữu tới 82% vốn.
Trở lại với VCI Group, theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện đang đầu tư các dự án bất động sản quy mô lớn tại Vĩnh Phúc. Có thể kể đến như dự án khu nhà ở đô thị Sky Garden (tổng diện tích 17,2ha); khu dịch vụ biệt thự trung tâm thị trấn Tam Đảo (diện tích khu đất là 2.320m2); chung cư thương mại 25 tầng – VCI Tower (diện tích gần 5.819m2); khu nhà ở đô thị Mountain View (diện tích gần 93.000m2); tòa nhà phức hợp VCI Complex...
Đáng chú ý, nếu có dịp đến với thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thời điểm hiện tại, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp ngay tổ hợp khách sạn Grand Victory Hotel quy mô đất lên tới 6.876m2, cao đến 13 tầng nổi và 1 tầng hầm do VCI Group làm chủ đầu tư.
Trước đó vào năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch phê duyệt năm 2006 theo hướng tăng mạnh diện tích xây dựng khu vực trung tâm, cắt giảm diện tích công viên, cây xanh, mặt nước. Đáng chú ý, tại quyết định này đã “nhồi” thêm 6.876m2 đất khách sạn và 2.320m2 đất biệt thự và cắt giảm đất cây xanh, mặt nước từ 12.251m2 xuống chỉ còn 8.829m2. Các diện tích công cộng khác cũng bị cắt giảm bởi quyết định điều chỉnh này.
Đây cũng là lý do “khai sinh” ra tổ hợp khách sạn Grand Victory Hotel mà hiện nay VCI Group đang triển khai xây dựng. Dự án này có vị trí "vàng" khi nằm ngay sát quảng trường Tam Đảo.
Tổ hợp khách sạn Grand Victory Hotel từ nhiều góc nhìn tại Tam Đảo.
Là doanh nghiệp bất động sản như nhiều đơn vị cùng ngành khác, VCI Group cũng phải sử dụng đòn bẩy tài chính, gây sức ép lên khả năng thanh toán, tồn tại rủi ro tài chính đáng chú ý.
Cụ thể, theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2019 - 2021, trong điều kiện vốn chủ sở hữu chỉ dao động trong khoảng gần 700 tỷ đồng, thì nợ phải trả của VCI Group chứng kiến đà tăng khá nhanh, từ mức 184,7 tỷ đồng (2019) lên 586 tỷ đồng (2020) và đạt gần 750 tỷ đồng vào năm 2021. Tính chung sau 3 năm, nợ phải trả của VCI Group đã tăng gấp 4 lần. Như vậy, nợ phải trả của VCI Group năm 2021 chiếm đến hơn 52% tổng cộng nguồn vốn.
Các khoản nợ của VCI Group chủ yếu nằm ở khoản nợ vay tài chính dài hạn. Cụ thể, trong giai đoạn nêu trên, nợ vay tài chính dài hạn của doanh nghiệp này đã tăng từ mức 126,7 đồng lên 403,3 tỷ đồng. Khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong cơ cấu nợ của VCI Group.
Cũng trong giai đoạn 2019 - 2021, tài sản của VCI Group cũng liên tục được bồi đắp, từ mức 883 tỷ đồng (2019) lên 1.274 tỷ đồng (2020) và đạt ngưỡng 1.428 tỷ đồng vào năm 2021. Doanh nghiệp tiết giảm được khá tốt các khoản phải thu ngắn hạn (từ mức 601 tỷ đồng xuống còn 361 tỷ đồng) trong 3 năm qua.
Là chủ đầu tư loạt dự án lớn ở Vĩnh Phúc, tuy nhiên các sản phẩm của VCI Group lại khá ế ẩm, đặc biệt là trong 2 năm "thăng hoa" của thị trường bất động sản vừa qua. Điều này phản ánh qua giá trị hàng tồn kho từ 642,7 tỷ đồng (2020) lên 713,7 tỷ đồng (2021), chiếm 50% tổng tài sản năm 2021.
Cũng theo dữ liệu của VietnamFinance, tuy công bố thông tin hàng loạt dự án "khủng", nhưng kết quả kinh doanh của VCI Group trong 3 năm qua rất ảm đạm.
Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp này sụt giảm dần qua các năm, từ mức 41,5 tỷ đồng năm 2019, giảm xuống còn 40 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu thuần của VCI Group chỉ ghi nhận chưa đến 5 tỷ đồng.
Do giá vốn bán hàng gần như bằng với doanh thu nên lợi nhuận gộp thu về của VCI Group trong giai đoạn 2019 - 2021 chỉ còn tính bằng đơn vị triệu đồng. Cụ thể, năm 2019, VCI Group có lợi nhuận gộp 5,5 tỷ đồng, rồi giảm mạnh xuống còn 51 triệu đồng. Năm tiếp theo, lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 67,7 triệu đồng.
Lãi gộp mỏng lại phải trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên hệ quả tất yếu là VCI Group liên tục báo lỗ trong suốt 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, doanh nghiệp lỗ ròng 83 triệu đồng, năm 2020 lỗ 4,2 tỷ đồng và năm 2021 lỗ gần 6 tỷ đồng.
Về nghĩa vụ báo cáo, VCI Group cũng không thực hiện nộp báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong các năm gần đây.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.