Cách thức thao túng chứng khoán tinh vi của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết
Vân Oanh -
30/03/2022 08:04 (GMT+7)
(VNF) - Nếu không bị phát giác, thương vụ 'đánh úp' nhà đầu tư của Trịnh Văn Quyết trong phiên giao dịch 10/1/2022 có thể giúp Chủ tịch FLC thu lợi bất chính trên 500 tỷ đồng
Chiều 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra về tội "thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra đã tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan đến vụ án nêu trên. Trong đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám xét từ 17h chiều ngày 29/3 đến 0h ngày 30/3 tại trụ sở Tập đoàn FLC, địa chỉ 265 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo Bộ Công an, ngay sau việc Trịnh Văn Quyết "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022, Cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART) và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Qua đó, hành vi của Trịnh Văn Quyết đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng thị trường chứng khoán".
Được biết, Tập đoàn FLC của Chủ tịch hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết được thành lập từ năm 2008 với ngành nghề kinh doanh là bất động sản, chứng khoán, du lịch, giáo dục, công nghệ pháp lý, hàng không… với quy mô 15 công ty con và 2 công ty liên kết. Trịnh Văn Quyết nắm giữ hơn 215 triệu cổ phần của FLC, tương ứng hơn 30% vốn. Tổng giám đốc là bà Bùi Hải Huyền, cũng là người đại diện pháp luật.
Theo thông tin ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, rồi bất ngờ "đánh úp" họ bằng hành vi bán chui số cổ phiếu đã được mua rẻ từ trước, với mục đích hưởng lợi bất chính.
Cụ thể, khi đó Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Các tài khoản nêu trên đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, đặt mua chiếm 12% tổng khối lượng đặt mua và khớp mua 2,84% tổng khối lượng khớp mua toàn thị trường; đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng đặt bán và khớp bán chiếm 12% tổng khối lượng khớp bán toàn thị trường.
Tại các phiên tăng giá, nhóm 21 tài khoản chứng khoán đặt mua với tổng khối lượng 77% tổng khối lượng đặt mua của nhóm. Tại các phiên giảm giá, nhóm đặt bán với tổng khối lượng 94% tổng khối lượng đặt bán của nhóm. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu ngày 10/1/2022, tức tăng 64% sau khoảng thời gian ngắn.
Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.
Đáng nói, ảnh hưởng từ đợt "bán chui" này của Trịnh Văn Quyết đã lan ra cả thị trường, khiến các phiên giao dịch liền kế sau đó chao đảo dữ dội, nhà đầu tư không chỉ liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến tập đoàn, mà thậm chí hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây trước trạng thái mất niềm tin của nhà đầu tư.
Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định này. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của Trịnh Văn Quyết, vì thế nhiều nhà đầu tư đã được hoàn lại tiền đã mua.
Đến ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với Chủ tịch FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từng tốt nghiệp cử nhân luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trịnh Văn Quyết đã mở văn phòng gia sư và buôn bán điện thoại từ khi ngồi ghế nhà trường, nhằm thỏa niềm đam mê kinh doanh và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC) của Trịnh Văn Quyết ra đời, với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ…
Đến năm 2006, Trịnh Văn Quyết chuyển đổi từ văn phòng Luật sư SMiC thành Công ty Luật TNHH SMiC. Đây là tiền đề để Trịnh Văn Quyết trở thành 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh "Luật sư tiêu biểu" năm 2012.
Năm 2008, Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty Trường Phú Fortune, viên gạch đầu tiên cho "đế chế" Tập đoàn FLC ngày nay, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán với pháp nhân Công ty Chứng khoán FLCS (Chứng khoán BOS).
Năm 2009, sau khi khởi công FLC Landmark Tower, Trịnh Văn Quyết trở thành ngôi sao mới nổi trên thị trường bất động sản và tới năm 2010, các lĩnh vực thu về một mối, Trường Phú Fortune chuyển thành Tập đoàn FLC.
Năm 2014, Tập đoàn FLC ghi dấu ấn với việc khởi công khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn trên khu đầm lầy nước mặn rộng 200ha. Năm 2015, tập đoàn tiếp tục khởi công dự án Twin Tower.
Đến năm 2016, cổ phiếu ROS của FLC Faros lên sàn, giúp Trịnh Văn Quyết soán ngôi giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản 33.000 tỷ đồng. Năm 2017, thành lập Bamboo Airways - Hàng Không Tre Việt vốn 700 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài Tập đoàn FLC, hệ sinh thái dưới sự điều hành, chi phối của Trịnh Văn Quyết còn có Công ty Cổ phần Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (FLC ROS); Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (ART), Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty Cổ phần GAB (GAB)…
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone