Cải cách thể chế: Cách tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp

Kỳ Thư - 20/12/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Các chuyên gia cho rằng, không có hỗ trợ nào tốt nhất bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Khi thiết lập nền tảng pháp lý minh bạch, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thì người dân sẽ có ý tưởng về kinh doanh, có động lực kinh doanh và dấn thân vào hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp phục hồi nhưng chưa bền vững

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng qua, cả nước có hơn 218,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này khiến cho tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp.


Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong xu hướng phát triển, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn phải cao hơn số rút lui khỏi thị trường kể cả tốc độ và con số tuyệt đối.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Trong khi đó, hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 đều tích cực. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp. Với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu. Do đó, cần có chính sách tốt hơn để doanh nghiệp có niềm tin và kỳ vọng về cơ hội kinh doanh trong tương lai.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường gia tăng trong năm 2024 là vấn đề rất đáng quan tâm.

Về nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID -19 khiến nền kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song sự hỗ trợ này là vẫn chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay do nợ xấu tăng lên. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường do không đủ vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu cho hay.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, đơn cử như số người lao động thất nghiệp tăng lên, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, khi mà những thành phần sản xuất kinh doanh rút lui khỏi thị trường.

Cải cách thể chế là giải pháp hỗ trợ tốt nhất

Vậy làm thế nào để giảm thiểu những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại cũng như tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp đã rút lui quay lại thị trường? Giải pháp được các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất chính là cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Cải cách thể chế là giải pháp hỗ trợ tốt nhất.

Bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: “Không có hỗ trợ nào tốt nhất bằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Khi thiết lập nền tảng pháp lý minh bạch, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thì người dân sẽ có ý tưởng về kinh doanh, có động lực kinh doanh và dấn thân vào hoạt động kinh doanh”.

Tương tự, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, công cuộc hoàn thiện thể chế, cải thiện chất lượng văn bản quy định pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp cảm thấy tự tin hơn khi họ mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ông Việt dẫn chứng, nhờ đó số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường đã tăng lên một cách đáng kể, trung bình mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc là quay lại thị trường.

Bên cạnh đó, khi các thủ tục giảm đi, quy chuẩn quản lý sát với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực trong mô hình tăng trưởng mới.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khó khăn của doanh nghiệp còn lớn, còn bất định, dù cơ hội thị trường có, quyết tâm tháo gỡ nút thắt thể chế cũng rất quyết liệt. Lúc này, các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh cần phải được thực thi thực chất.

Đặt yêu cầu về thực thi là điều ông Hiếu luôn nhấn mạnh khi trao đổi về cải cách môi trường kinh doanh. Cụ thể, mục tiêu đặt ra là phải giảm chi phí tuân thủ, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.

“Có lẽ chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn nguyên tắc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Với tư duy này, cơ chế, chính sách sẽ không chỉ thay đổi theo hướng là người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, mà rộng hơn là được làm nhưng gì pháp luật chưa quy định”, ông Hiếu nhấn mạnh.

'Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho doanh nhân'

'Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho doanh nhân'

Tiêu điểm
(VNF) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Cùng chuyên mục
Tin khác