Cảnh báo chiêu lừa đảo qua ngân hàng mới vô cùng tinh vi
Mai Anh -
27/06/2023 16:13 (GMT+7)
(VNF) - Kẻ gian gửi mã QR qua mạng xã hội hoặc mạo danh trung tâm thông tin tín dụng quốc gia để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng một cách vô cùng tinh vi.
Gửi mã QR qua mạng xã hội
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo, gần đây, bên cạnh hình thức gửi link đăng nhập website giả mạo để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản đăng nhập (username/password) ngân hàng điện tử hoặc thu thập các thông tin liên quan tới thẻ tín dụng, kẻ gian vừa phát triển thêm phương thức gửi QR code qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…).
Theo đó, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác.
Sau khi khách hàng quét mã QR của kẻ gian gửi sẽ được chuyển đến đường link website giả mạo, khách hàng tiếp tục được yêu cầu nhập các thông tin như: họ và tên, CCCD, chụp ảnh CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại khách hàng, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…
Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản Internet Banking hoặc thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
VPBank cảnh báo khách hàng tuyệt đối không quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ vì ngân hàng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, số CVV2/CVC2 (3 số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác của khách hàng qua zalo/số điện thoại không định danh.
Mạo danh trung tâm thông tin tín dụng quốc gia lừa đảo
Mới đây, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) ghi nhận một số trường hợp mạo danh trung tâm này nhằm thực hiện hành vi lừa đảo là yêu cầu khách hàng vay chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để nâng điểm tín dụng, hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn.
Đối tượng lừa đảo gửi đến khách hàng vay "văn bản xử lý" với đầy đủ con dấu, chữ ký giả mạo để thông báo về hiện trạng "hồ sơ tín dụng của khách hàng vay có lỗi, bị khóa, không đủ điểm tín dụng để giải ngân khoản vay" và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.
CIC cho biết, chỉ thực hiện cung cấp báo cáo thông tin tín dụng đến trực tiếp từng khách hàng vay theo quy định, qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay và ứng dụng trên điện thoại thông minh "CIC Credit Connect" miễn phí 1 năm/lần, khách hàng trả tiền khai thác báo cáo từ lần thứ 2 với mức phí 22.000 đồng/báo cáo (đã bao gồm thuế GTGT). CIC không chủ động thông báo và yêu cầu khách hàng phải trả phí cho các khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
CIC khuyến cáo người dân không gửi mã số OTP cho bất kỳ ai; không làm theo, chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để được xóa nợ, ẩn nợ, nâng điểm tín nhiệm.
Chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng
Muốn tiếp tục đầu tư kinh doanh nhưng nhiều người gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng do vướng nợ xấu. Nhiều người do thiếu hiểu biết thường muốn tìm mọi cách để xóa nợ xấu.
Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã đăng tin, quảng cáo về “dịch vụ xóa nợ xấu ngân hàng”. Các trang web, fanpage này thường có những lời quảng cáo mùi mẫn như: “Bạn đang bị nợ xấu, không thể duyệt hồ sơ vay, bị làm phiền bởi những cuộc gọi khủng bố đòi nợ, ảnh hưởng uy tín gia đình bạn bè… hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. Cam kết “gỡ sạch” mọi nhóm nợ”.
Không những vậy, tại trang mạng xã hội này, các đối tượng thường xuyên lấy ảnh đại diện, ảnh bìa là những hoạt động của CIC để lấy niềm tin của người dân. Phí dịch vụ “cung cấp xóa nợ xấu nhanh” thường từ 5 -20 triệu đồng tùy vào nhóm nợ.
Tuy nhiên, đại diện CIC khẳng định, đây thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo. Bởi việc xóa thông tin nợ xấu hay can thiệp vào hệ thống thông tin CIC thì không có tổ chức, cá nhân nào có thể tự thực hiện. Khi có sai sót, khách hàng cần thực hiện khiếu nại, đề nghị chỉnh sửa thông tin theo đúng quy định và được chấp thuận bởi lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng VPBank cho biết, thông tin tín dụng của khách hàng chỉ được CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng có liên quan hoặc chính khách hàng đó và không cung cấp cho bất kỳ đơn vị/cá nhân nào khác. Cách duy nhất để không phát sinh nợ quá hạn/nợ xấu CIC là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Đặc biệt, khách hàng hết sức lưu ý, tuyệt đối không tin vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che” nợ, “xóa” nợ xấu CIC.
24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Cẩm nang nhận diện và phòng chống 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Cụ thể gồm: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…; Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).
Bên cạnh đó là các hình thức lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; Lừa đảo tuyển CTV online; Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; Đánh cắp thông tin Căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…
Theo Cục An toàn thông tin, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone