Cắt giảm nhân sự ngân hàng không còn là 'cảnh báo đỏ'

Hà Tâm - 20/02/2020 10:49 (GMT+7)

Nhân sự ngành ngân hàng đang biến động rất mạnh, nhưng khác với trước đây, cắt giảm nhân sự không còn là chỉ báo đáng sợ về sức khỏe nhà băng.

VNF
Năm 2019, hàng loạt ngân hàng đã cắt giảm nhân sự, với tổng lượng cắt giảm lên tới hơn 4.000 người. 

Nghịch lý: nhân sự giảm, lợi nhuận tăng kỷ lục

Mới đây, VPBank đã công bố miễn nhiệm nhân sự cấp cao là ông Kosaraju Kiran Babu, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tín dụng tiểu thương và ông Sanjeev Nanavati, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc điều hành cao cấp. Như vậy, làn sóng cắt giảm nhân sự của Ngân hàng đã lan đến nhân sự cấp cao. Riêng năm 2019, VPBank đã giảm hơn 2.000 người.

Cùng với VPBank, năm 2019, hàng loạt ngân hàng khác, như OCB, VietinBank, VPBank, ACB, SHB, Saigonbank… cũng cắt giảm nhân sự, với tổng lượng cắt giảm lên tới hơn 4.000 người. Tuy nhiên, trái với quy luật thông thường là cắt giảm nhân sự thường là “chỉ báo” cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thì ở nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự thời gian qua, lợi nhuận lại tăng kỷ lục.

Đơn cử, năm 2019, dù cắt giảm nhân sự, nhưng ngân hàng mẹ VPBank tăng trưởng lợi nhuận tới 24%, đạt lợi nhuận trước thuế 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank giải thích: “Giảm hơn 2.000 nhân sự là kết quả của quá trình tái cấu trúc tại VPBank. Do tối ưu hóa các quy trình vận hành, ứng dụng nhiều công nghệ mới, áp dụng tự động hóa, số hóa…, nên năng suất lao động tăng mạnh. Năm 2019, doanh thu của VPBank tăng hơn 30%, trong khi chi phí chỉ tăng 6%”.

Tương tự, tại OCB, việc số hóa, đổi mới nhiều quy trình hoạt động cũng giúp Ngân hàng lãi lớn trong năm 2019 dù nhân sự giảm mạnh. Kết thúc năm 2019, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng này đạt 3.232 tỷ đồng, tăng gần 47% so với năm 2018.

Được biết, tại VPBank, tính đến cuối năm 2019, có tới 63% giao dịch được thực hiện qua các kênh trực tuyến, 96% khách hàng sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động, trung bình 1,2 triệu lượt đăng nhập ngân hàng điện tử mỗi ngày, tăng hơn 20 lần so với năm 2018.

Tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số tăng đã góp phần giúp VPBank tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động, nhờ giảm được số lượng nhân sự và các bước thực hiện thủ tục theo cách thủ công. Tổng chi phí hoạt động của ngân hàng mẹ trong năm 2019 chỉ tăng 8,8%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 24,7% của doanh thu cốt lõi.

Tại OCB, ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc chiến lược cũng kỳ vọng, ngân hàng số tới đây sẽ trở thành kênh bán hàng chủ chốt và kênh online sẽ dần dần thay thế chi nhánh giao dịch để giảm tải áp lực mở rộng mạng lưới.

“Sóng” tái cấu trúc, nhân sự ngân hàng còn biến động mạnh

Xét trên phạm vi toàn ngành, năm 2019, nhân sự ngân hàng vẫn tăng. Ngoài một số ngân hàng giảm mạnh nhân sự thì vẫn có hơn chục ngân hàng tuyển mới hàng ngàn người. Cụ thể, năm 2019, số nhân sự tuyển mới của Vietcombank, VIB lên tới 1.700-1.800 người. Hàng loạt ngân hàng như TPBank, MB, Techcombank… cũng tuyển thêm hàng ngàn nhân sự.

“Các ngân hàng đều số hóa mạnh mẽ, song có ngân hàng muốn tuyển dụng thêm, có ngân hàng lại muốn bớt, điều này thể hiện định hướng tái cơ cấu của từng nhà băng. Ví dụ, VPBank trước đây phát triển theo chiều rộng, nhân sự rất lớn, nay áp dụng số hóa, lại muốn phát triển tập trung hơn, nên họ cắt giảm nhân sự là đương nhiên.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác, dù đã áp dụng số hóa, song nhân sự còn mỏng hoặc đã tối ưu hóa, khó tiết giảm, mà lại mong muốn mở rộng hoạt động, nên chắc chắn phải tuyển dụng thêm”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét khi nói về làn sóng tăng giảm nhân sự trái chiều của các “đồng nghiệp” trên thị trường.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi nhu cầu nhân sự cho thấy, các ngân hàng đang có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực theo hướng tăng nhân lực mảng công nghệ, tư vấn, ra quyết định và giảm nhân lực trong các lĩnh vực tác nghiệp, các lĩnh vực tự động hóa - nơi máy móc có thể làm tốt hơn con người. Trong giai đoạn các ngân hàng đang định hướng lại chiến lược, mô hình kinh doanh, thì tình hình nhân sự sẽ còn biến động mạnh.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác