CEO Biti’s: 'Lạm phát tăng cao, sức mua đang giảm, rất khó để hồi phục lại như năm 2019'

Bảo Duy - 30/03/2022 22:05 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ bên lề lễ công bố và trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022, Tổng giám đốc Biti’s Vưu Lệ Quyên cho biết mục tiêu của công ty là hồi phục lại con số của 2019. Với Biti's, đây là mục tiêu rất khó khăn.

VNF
CEO Biti’s: 'Lạm phát tăng cao, sức mua đang giảm, rất khó để hồi phục lại như năm 2019'

Nhìn lại những ngày sống và làm việc trong bối cảnh dịch bệnh, bà Vưu Lệ Quyên – Tổng giám đốc Công ty Biti’s cho hay thời điểm dịch bệnh, bản thân lãnh đạo Biti’s phải lo lắng cho 10.000 lao động, cùng với đó là 10.000 gia đình.

“Thực sự, quyết định quan trọng nhất lúc đó của tôi là làm sao phải đảm bảo cuộc sống của họ. Phải đảm bảo làm sao để họ có một mức lương để đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình trong thời gian thời gian cách ly, giãn cách. Lúc đó quả thực tôi bỏ hết tất cả chỉ số kinh doanh, dịch vụ ra khỏi đầu, không quan tâm, chỉ quan tâm một thứ, đó là an sinh thôi”.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, Tổng giám đốc Biti’s cho biết mục tiêu của công ty là hồi phục lại con số của 2019. "Với Biti's, đây là mục tiêu rất khó khăn", nữ CEO nói.

“Lạm phát đang tăng cao, sức mua đang giảm. Năm 2021, doanh thu của Biti’s đã giảm rất nhiều. Do đó ưu tiên chúng tôi là hồi phục trở lại con số của năm 2019, đó cũng là động lực, là một phần kích thích mọi người để mọi người phấn đấu, nỗ lực hơn”, bà Quyên cho hay.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group chia sẻ, tại các quốc gia khác, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ngành thực phẩm vẫn được duy trì ổn định, trong khi Phúc Sinh Group xuất khẩu thực phẩm chủ yếu sang phương Tây, nên khi Covid-19 xảy ra, sản phẩm thực phẩm của đơn vị vẫn được duy trì.

“Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên giãn cách tôi vẫn lái xe đi làm. Tôi luôn nghĩ các công ty thực phẩm và hàng thiết yếu không bao giờ nghỉ, nên tôi cũng không nghĩ rằng sẽ nghỉ. Phúc Sinh 1 năm doanh thu 6.000 tỷ nên tỷ lệ quay vòng vốn rất nhiều, chỉ cần nghỉ ở nhà một tháng nợ xấu sẽ rất lớn. Thực phẩm và hàng thiết yếu không thể nghỉ ở nhà được, nên chúng tôi làm sao để tất cả cùng đi làm, không nghỉ ngày nào. Phúc Sinh là một trong ít doanh nghiệp không bị nợ xấu năm 2021”, ông Thông cho hay.

Ông Thông cũng khẳng định việc doanh nghiệp này làm việc xuyên suốt mùa dịch, không nghỉ ngày nào là may mắn rất lớn. Riêng mảng xuất khẩu, doanh thu của đơn vị khoảng 250 triệu USD/năm.

“Mảng thương mại điện tử và kinh doanh nội địa chỉ chiếm khoảng 1%. Tất cả khách hàng ở châu Âu của chúng tôi đều cảm thấy rất lo sợ. Họ cảm thấy chiến tranh gần kề với họ rồi. Ai cũng nói vừa bước ra khỏi Covid-19, thì thế giới lại bước vào chiến tranh”, Chủ tịch Phúc Sinh Group nói.

Ông Thông cũng cho hay Phúc Sinh xuất khẩu khoảng 30 triệu USD hàng hóa sang 2 quốc gia: Nga và Ukraine. Cuộc chiến nổ ra đúng lúc 1 số lô hàng cà phê, hồ tiêu của doanh nghiệp này đang trên đường đến.

“Khi các đối tác nói họ không có khả năng thanh toán thì chúng tôi dừng lại và bán luôn cho các khách hàng tại cảng mà Phúc Sinh dừng lại. Nhưng cái chúng tôi mất mát nó giống như việc các khách hàng ở Nga và Ukraine đang là số 10 thì biến thành số 0. Đó là cái mất mát rất lớn của chúng tôi”, ông nói.

Chia sẻ về việc kinh doanh trong điều kiệu "bình thường mời thường xuyên", ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private, nói rằng khái niệm “bình thường mới thường xuyên” hiện nay được thể hiện rõ khi thế giới có rất nhiều biến động, từ thương chiến Mỹ – Trung, rồi đến đại dịch Covid-19 và bây giờ là xung đột Nga – Ukraine.

Ông Huỳnh nhấn mạnh cùng với độ mở của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập sâu rộng thì doanh nghiệp Việt Nam bây giờ lúc nào cũng ở trong “bình thường mới thường xuyên” cùng với sự biến động của thế giới.

Phân tích chi tiết, ông Huỳnh cho rằng kế hoạch kinh doanh trong điều kiện bình thường hay bình thường mới thường xuyên thì cũng chỉ gồm có ba hành động và một kết quả. "Thứ nhất là có chiến lược cũng như việc định hướng mục đích hành động là gì? Điều gì ưu tiên làm trước? Làm gì phải để ra kết quả ngay? Ưu tiên cái gì không phải mất mát nhiều mà lại củng cố nền tảng niềm tin trong doanh nghiệp và doanh nghiệp với đối tác?", ông nói. Thứ hai, theo ông Huỳnh, doanh nghiệp phải có nguồn lực sẵn có để làm. Nguồn lực bao gồm: tài sản, công cụ, dụng cụ, dây chuyền sản xuất. Thứ ba, ông Huỳnh nhấn mạnh việc doanh nghiệp khi có nguồn lực rồi cần phải có người để làm, để đạt mục tiêu.

"Ba cái đó bình thường chúng ta đã làm, nay chỉ là lựa chọn ưu tiên cái gì. Khi làm ba cái đó rồi, chúng ta sẽ đạt kết quả, không chỉ kết quả kinh doanh mà còn xây dựng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", đại diện Deloitte Private nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác