Nhân vật

Chân dung ‘nhà kỹ trị tiên phong’ Nguyễn Đức Vinh

(VNF) - Sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Vinh toát lên rất rõ tính tiên phong. Ông Vinh tham gia vào Tổng công ty hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Nhưng phải đến khi sang Techcombank và sau đó là VPBank, trên cương vị điều hành cao nhất, dấu ấn của ông Vinh mới hiện rõ.

Chân dung ‘nhà kỹ trị tiên phong’ Nguyễn Đức Vinh

Ông Nguyễn Đức Vinh đã tạo dựng lên những thành quả mang đậm tính tiên phong

Gia nhập VPBank trên cương vị Tổng giám đốc từ năm 2012 nhưng phải đến tháng 9/2018, ông Nguyễn Đức Vinh mới lần đầu tiên đăng ký mua vào cổ phiếu VPBank, theo chương trình ưu đãi cho người lao động (ESOP).

Lượng cổ phiếu ông Vinh đăng ký mua vào lên đến 15,55 triệu cổ phiếu với giá mua là 10.000 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa ông Vinh sẽ chi 155,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu mà tính theo giá thị trường hiện tại lên đến 380 tỷ đồng.

Lý do gì khiến VPBank dành tới gần nửa tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành đợt này cho ông Nguyễn Đức Vinh?

Chân dung ông Nguyễn Đức Vinh

Ông Nguyễn Đức Vinh sinh năm 1958 tại Hưng Yên, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, từng du học ở Pháp và Mỹ. Điểm khá đặc biệt là phải đến tuổi tứ tuần, ông Vinh mới bước chân vào ngành ngân hàng. Trước đó, ông công tác trong lĩnh vực hàng không.

Sau 2 năm phục vụ trong Quân khu 2, năm 1984, ông Vinh làm cán bộ Vụ quan hệ quốc tế Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam, trong bối cảnh tổng cục này bắt đầu hàng loạt chiến dịch đổi mới, từ phân cấp quản lý đến tiền lương, hợp đồng kinh tế, phân phối lại các quỹ...

Năm 1989, khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam chính thức được thành lập theo Nghị định 112 của Hội đồng Bộ trưởng, ông Nguyễn Đức Vinh “rời” biên chế về tổng công ty này với cương vị cán bộ Phòng Kinh tế đối ngoại.

Chỉ 2 năm sau, ông trở thành Phó ban kiêm Trưởng phòng thị trường Ban vận tải.

Năm 1993, Công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức được hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô lớn nhất nước. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Đức Vinh được cắt cử làm Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines giai đoạn 1993 – 1996.

Sau 2 năm học cao học ở Pháp và Mỹ, ông Vinh trở về Việt Nam làm Trợ lý cao cấp của Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam giai đoạn 1998 – 1999.

Năm 1999, ông Nguyễn Đức Vinh chính thức bước chân vào lĩnh vực ngân hàng trên cương vị Phó Tổng giám đốc Techcombank và trở thành Tổng giám đốc ngân hàng này chỉ 1 năm sau đó.

Techcombank được thành lập từ năm 1993 với cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất (20%) là Vietnam Airlines. Năm 1993 cũng là năm mà ông Nguyễn Đức Vinh đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines. Mối liên hệ vừa mang tính tổ chức nhưng cũng ít nhiều mang tính cá nhân này là nguyên nhân giải thích vì sao ông Nguyễn Đức Vinh giữ cương vị cao ngay từ khi mới bước chân vào Techcombank.

Tại Techcombank, ông Vinh kinh qua 3 đời Chủ tịch. Đầu tiên là ông Lê Kiên Thành – con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông Thành nắm cương vị Chủ tịch trong 10 năm từ 1995 đến 2005, nghĩa là phần lớn thời gian gắn bó của ông Vinh tại Techcombank là dưới thời ông Lê Kiên Thành (giai đoạn 1999 – 2005).

Kế vị ông Thành trong 2 năm (2005 – 2006) là bà Nguyễn Thị Nga, hiện là Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Phó Chủ tịch SeABank. Sau đó, quyền lực được chuyển giao cho ông Hồ Hùng Anh (Phó Chủ tịch thứ nhất giai đoạn 2006 – 2008, Chủ tịch giai đoạn 2008 – nay).

Năm 2011, ông Nguyễn Đức Vinh gây xôn xao giới ngân hàng với lá thư chia tay Techcombank. Năm 2012, ông Vinh rời chức Tổng giám đốc Techcombank nhưng không đi ngay mà giữ cương vị Phó Chủ tịch ngân hàng này trong nửa năm.

Sau khi có đơn từ nhiệm chức Phó Chủ tịch Techcombank, tháng 7/2012, ông Nguyễn Đức Vinh chính thức sang VPBank làm Tổng giám đốc, kế nhiệm ông Nguyễn Hưng.

Ông Hưng từng là thuộc cấp dưới trướng ông Nguyễn Đức Vinh thời còn ở Techcombank và sau khi ông Vinh tiếp quản ban điều hành VPBank, ông Hưng sang TPBank làm Tổng giám đốc.

“Việc chuyển công tác của chúng tôi đã được tất cả các bên liên quan bàn thảo từ trước và đã tìm ra được phương án tối ưu nhất. Có thể nói là các thỏa thuận đạt được đã làm tất cả các bên hài lòng”, ông Nguyễn Hưng tiết lộ về cuộc chuyển giao quyền lực.

Không phải ngẫu nhiên ông Vinh sang VPBank. Giữa Techcombank và VPBank từng có mối quan hệ đặc biệt.

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng từng có 4 năm đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Techcombank (từ năm 2006 đến năm 2010). Ông Dũng sang VPBank làm Chủ tịch (tháng 3/2010) trong bối cảnh Techcombank thời điểm đó đang là cổ đông lớn của VPBank với tỷ lệ sở hữu lên đến 9,21%.

Nhà kỹ trị tiên phong

Sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Vinh toát lên rất rõ tính tiên phong. Như đã đề cập phía trên, ông Vinh tham gia vào Tổng công ty hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Nhưng phải đến khi sang Techcombank, trên cương vị điều hành cao nhất, dấu ấn của ông Vinh mới hiện rõ.

Năm 2001, ông Nguyễn Đức Vinh “gây sốc” trong giới ngân hàng khi quyết định chi tới gần 20 tỷ đồng để triển khai hệ thống Core Banking của Globus Teminos (Thụy Sĩ). Cần lưu ý rằng, vốn điều lệ thời điểm đó của Techcombank chỉ 100 tỷ đồng. Đa phần các ngân hàng thời đó lựa chọn phần mềm Silverlake của Malaysia với giá rẻ hơn nhiều.

“Vào thời điểm đó, hội đồng quản trị và ban điều hành của Techcombank đã quyết định đầu tư rất lớn cho hệ thống của Teminos vì chúng tôi xác định công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất của một ngân hàng hiện đại trong tương lai. Mặt khác, Globus Teminos đến từ Thụy Sĩ, một quốc gia có lịch sử hàng trăm năm về các dịch vụ ngân hàng”, ông Nguyễn Hướng Minh kể lại.

Năm 2001, ông Nguyễn Hướng Minh mới chỉ là một nhân viên vừa được tuyển dụng vào Techcombank. Việc tham gia triển khai hệ thống Core Banking từ rất sớm và sau đó là lãnh đạo các dự án công nghệ lớn của Techcombank đã tạo dựng nền tảng rất tốt để ông Minh trở thành chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin ngân hàng. Rời Techcombank năm 2010, ông Minh chuyển sang VPBank, SeABank và hiện là Phó Tổng giám đốc Eximbank phụ trách Công nghệ thông tin và vận hành.

Việc làm chủ được hệ thống Core Banking của Thụy Sĩ cho phép Techcombank tạo ra khác biệt đặc biệt. Techcombank là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet Banking, ngân hàng đầu tiên cho phép thanh toán bằng tin nhắn trên điện thoại di động, ngân hàng hiếm hoi cho phép kết nối ngay lập tức tài khoản tiền gửi vào tài khoản ATM khi phát hành thẻ ATM…

Hệ thống này cũng cho phép Techcombank mở rộng nhanh chóng mạng lưới chi nhánh/ phòng giao dịch nhưng vẫn kiểm soát tốt hoạt động.

Một dấu ấn khác của ông Nguyễn Đức Vinh là thương vụ “bắt tay” HSBC. Mặc dù đã có một vài ngân hàng có cổ đông chiến lược ngoại, nhưng ở quy mô tầm cỡ và danh tiếng, đây có thể coi là thương vụ tiên phong trong giới ngân hàng.

Hợp tác chiến lược với HSBC, Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên mở và lấp đầy room ngoại 20%. Thành công lớn nhất của Techcombank trong thương vụ này là thuyết phục được HSBC trả mức giá rất cao cho mỗi cổ phần Techcombank (cao đến mức khi HSBC thoái toàn bộ vốn năm 2017, giới phân tích tính toán rằng HSBC thậm chí có thể lỗ nặng).

Nguồn vốn dồi dào cho phép Techcombank đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những năm sau đó. Năm 2005 – năm đầu tiên HSBC bước chân vào Techcombank – dư nợ tín dụng của ngân hàng này mới chỉ ở mức 5.293 tỷ đồng. Một năm sau đó, dư nợ đạt 8.696 tỷ đồng và tăng vọt lên 19.841 tỷ đồng vào năm 2007.

Con số này tiếp tục nâng lên 26.019 tỷ đồng năm 2008, 41.580 tỷ đồng năm 2009 và 52.317 tỷ đồng cho năm 2010.

Như vậy, chỉ 5 năm, dư nợ tín dụng của Techcombank đã tăng gấp 10 lần, đưa ngân hàng này vào nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu.

Đầu năm 2012, ông Simon Morris (trái) chính thức thay ông Nguyễn Đức Vinh (phải) làm Tổng giám đốc Techcombank

Tiếp nối thành công ở Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh đưa ra hàng loạt sách lược mới mang đậm tính kỹ trị ngay khi đặt chân vào VPBank.

Tháng 10/2012, nghĩa là chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, ông Vinh quyết định thành lập Khối Khách hàng Doanh nghiệp SME trên cơ sở tách từ Khối Khách hàng Cá nhân và SME. 3 tháng tiếp theo, khối này đã tiếp nhận thành công hơn 22.000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và hoàn thành xây dựng 5 Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp SME.

Mảng SME sau đó liên tục một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của VPBank.

Năm 2013, mảng kinh doanh SME đạt tăng trưởng tín dụng tới 40%, tăng trưởng huy động 72%. Đến năm 2014, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức khá cao 25%, trong khi huy động tăng tới 58%. Con số này năm 2015 lần lượt ở mức cao 30% và 54%. Năm 2016 và năm 2017, tăng trưởng tín dụng mảng SME của VPBank đạt 30% và 20%.

Mũi nhọn thứ hai của ông Nguyễn Đức Vinh là mảng tín dụng tiêu dùng. Mảng này tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng được thành lập từ cuối năm 2010 với sản phẩm là vay mua xe máy trả góp. Ông Vinh về VPBank lúc ngân hàng này đang trong giai đoạn đầu khai phá thị trường.

Giữa năm 2014, VPBank chính thức mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC).

Sau khi có được giấy phép, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh thực hiện động thái mang tính bước ngoặt đối với VPBank: tách hoạt động tín dụng tiêu dùng khỏi ngân hàng, đưa về VPB FC để hoạt động dưới pháp nhân độc lập, với thương hiệu FE Credit.

Kết thúc năm 2014, FE Credit đang đạt mức tăng trưởng 40.000 khoản vay tiền mặt mới bình quân mỗi tháng (thời điểm đó, trên 60% tổng dư nợ của FE Credit là vay tiền mặt).

Công ty này cũng tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong phân khúc cho vay tại điểm bán hàng (POS) đối với sản phẩm xe mô tô với 40% thị phần, nắm 30% thị phần phân khúc cho vay mua hàng tiêu dùng dù mới chỉ xâm nhập hơn 1 năm.

Năm 2015, FE Credit mở rộng mạng lưới phân phối thông qua việc gia tăng số lượng các điểm bán hàng từ 4.100 lên gần 5.500 điểm và tiếp cận hơn 1,1 triệu khách hàng mới.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tăng vọt lên 20.207 tỷ đồng, từ mức 3.634 tỷ đồng hồi đầu năm.

Năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của FE Credit với việc thu hút mới 2,7 triệu tài khoản, tăng số lượng điểm bán hàng lên 7.900, phát hành 125.000 thẻ tín dụng sau 1 năm ra mắt sản phẩm. Dư nợ tín dụng đạt mức tăng 60% lên 32.104 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của FE Credit chiếm tới 64,8% lợi nhuận hợp nhất của VPBank, tương đương 2.550 tỷ đồng.

Năm 2017, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng của FE Credit là 40%. Lợi nhuận chiếm 51% tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tương đương trên 3.200 tỷ đồng.

Mặc dù hiện đang gặp phải những khó khăn nhất định trong mảng tín dụng tiêu dùng nhưng thành quả mà ông Vinh tạo dựng sau 6 năm “cầm lái” VPBank vẫn là quá ấn tượng. Và có lẽ ông Vinh vẫn đang tiếp tục dành trí lực của mình và nguồn lực của VPBank tạo dựng lên những thành quả mới mang đậm tính tiên phong.

>>> Xem thêm Series Chân dung doanh nhân Việt Nam

Tin mới lên