Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục phủ bởi nhiều gam màu tối với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh…
Những diễn biến mới của kinh tế thế giới sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại? Có những vấn đề gì đáng lưu tâm ở thời điểm hiện tại, thưa ông?
Kinh tế thế giới đang trong trạng thái bị làm chậm lại có chủ ý vì chính sách nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed đã năm lần nâng lãi suất trong năm nay từ mức 0,5% lên 4,5%, mức tăng lớn nhất trong lịch sử. Hành động mạnh tay của Fed là nhằm quyết đưa lạm phát ở Mỹ trở lại mức kiểm soát. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng phải nâng lãi suất theo nhằm ổn định tỷ giá của các đồng tiền của mình.
Kết quả, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể kể từ quý III/2022 và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm cho đến hết năm 2023.
Đáng lưu ý, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn chưa kịp phục hồi sau đại dịch và lại đang chịu áp lực từ biến động của cuộc chiến Ukraine, sự sụt giảm kinh tế do thay đổi trong chính sách của Fed có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo tính toán, cuộc suy thoái này không lớn và chỉ diễn ra ngắn. Hơn nữa, nếu có thì đó là cần thiết để kiểm soát lạm phát. Trái lại, nếu không kiểm soát được lạm phát, kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ rơi vào hỗn loạn vì lạm phát mất kiểm soát. Hậu quả của tình trạng này đáng sợ hơn nhiều.
Nói cách khác, cuộc suy thoái, nếu xảy ra như đề cập, là cái giá chấp nhận được cho sự ổn định của kinh tế thế thới, tránh một sự hỗn loạn nguy hiểm đáng sợ hơn.
- Đâu là những rủi ro cho nền kinh thế giới ở thời điểm hiện tại và trong năm 2023, thưa ông?
Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới hiện nay là lạm phát và suy thoái. Tuy nhiên, nhờ hành động mạnh tay của Fed như đề cập, lạm phát đã qua đỉnh. Mức lạm phát ở Mỹ đã giảm liên tục từ 9,1% trong tháng Bảy xuống chỉ còn 7,1% trong tháng 11.
Rủi ro thứ hai là suy thoái và nguy cơ này, cũng như đề cập ở trên, là không lớn và nếu có cũng không đáng sợ.
Rủi ro thứ ba, đó một số nền kinh tế đang phát triển có thu nhập thấp hiện vẫn chưa phục hồi đẩy đủ sau đại dịch lại phải đối phó với lạm phát cao và lãi suất cao có nguy cơ cao rơi vào suy thoái lớn. Những nước nào trong số đó lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, năng lượng trong khi ít khả năng xuất khẩu, và/hoặc đồng thời vay nợ nước ngoài nhiều sẽ co nguy cơ vỡ nợ nếu không nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài. Điều này đang gây lo ngại rằng những vụ vỡ nợ ở những nước này có thể gây ra chấn động hoặc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khả năng này là nhỏ vì hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay đang được quản lý tốt và có đủ khả năng tránh được các cú sốc lớn.
Rủi ro thứ tư là chính sách Zero-covid của Trung Quốc đang làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tê liệt khiến tăng trưởng toàn cầu bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy đến hết quý I/2023 tình hình này vẫn sẽ chưa thể ổn định được. Kinh tế thế giới vẫn sẽ bị tác động tiêu cực từ yếu tố này.
Tuy nhiên, yếu tố này lại dẫn đến tình trạng các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc, trong đó đáng kể nhất là Foxcom, Apple, Samsung… Điều này lại dẫn đến cơ hội cho một số nước khác như Ấn Độ, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á trong việc thu thút dòng vốn và công nghệ cao từ các nhà đầu tư phương tây.
- Rủi ro là vậy, nhưng thuận lợi chắc chắn cũng sẽ có, vậy theo ông đâu sẽ là những thuận lợi cho nền kinh tế?
Hiện tại nói về thuận lợi là khó vì tình hình khó khăn còn kéo dài, phải hết năm 2023 mới chấm dứt được. Điều duy nhất đáng mừng là lạm phát có dấu hiệu chắc chắn được kiểm soát, suy thoái cũng ít khả năng xảy ra, và khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính lớn do vỡ nợ ở một số nước đang phát triển, nếu có, cũng là khá nhỏ.
- Tất cả những vấn đề này sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn, thưa ông?
Kinh tế Việt Nam lệ thuộc lớn vào kinh tế thế giới, do đó, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng trực tiếp từ kinh tế toàn cầu. Nghĩa là, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023. Mức tăng trưởng 2023 nhiều khả năng chỉ dưới 5%, khó có thể đạt mục tiêu 6,5% mà Quốc Hội đề ra.
Phải chờ hết năm 2023, Việt Nam mới có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.
- Với những yếu tố đó, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng?
Điều mà Việt Nam cần ưu tiên hiện nay là làm thế nào duy trì được cân bằng, ổn định vĩ mô như hiện tại. Thực ra với mức tăng trưởng GDP trong năm lên tới 8% và lạm phát 4,5% là quá tốt, không việc gì phải vội vã thúc ép. Phải chờ đợi thời cơ từ bên ngoài, không thể nôn nóng thúc đẩy tăng trưởng, vì điều này sẽ gây bất ổn vĩ mô như lạm phát tăng cao, rồi lại phải tăng lãi suất để ngăn lạm phát, lúc đó tịnh huống sẽ vô cùng khó khăn.
Việc thứ hai mà Việt Nam nên làm hiện nay là cần có chính sách hỗ trợ nhóm người mất việc làm nhằm ổn định xã hội trong khi chờ đợi thời cơ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.