Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Nga đã xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khắp châu Âu từ những năm 1960. Kể từ đó, Washington đã cảnh báo các đồng minh phương Tây rằng việc phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ chỉ khiến người dân châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước Moscow.
Lời cảnh cáo này của Mỹ không phải hoàn toàn vô lý. Từ thời điểm cuộc khủng hoảng giữa Nga – Ukraine trở nên căng thẳng vào cuối năm ngoái, người dân các quốc gia châu Âu đã phải chịu một mùa đông lạnh giá với mức chi phí năng lượng vô cùng cao do nguồn cung không ổn định.
Cho tới thời điểm hiện tại, khi Nga đã tấn công Ukraine và nhận lấy hàng loạt đòn trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, nỗi lo Nga ngừng cung cấp khí đốt qua châu Âu càng trở nên thực tế hơn bao giờ hết.
Riêng về khí đốt, khối 27 nước phụ thuộc vào Nga với 40% nhu cầu. Tính theo quốc gia, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, với một nửa lượng khí đốt của quốc gia này đều dựa vào Nga. Nhờ các khách hàng này, Nga đã có doanh thu khổng lồ. Doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga năm 2021 trị giá 9.100 tỷ ruble (tương đương 119 tỷ USD), chiếm 36% ngân sách đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu châu Âu, với giá cao kỷ lục, giá trị xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Liên minh châu Âu đã tăng lên khoảng 500 triệu EUR (545 triệu USD) mỗi ngày. Con số này tăng từ khoảng 200 triệu EUR (220 triệu USD) vào tháng 2/2022. Trước khi tấn công Ukraine, Nga cũng đang xuất khẩu dầu trị giá hàng trăm triệu USD mỗi ngày sang châu Âu.
Trong khi Nga dùng chính nguồn ngân sách thu được từ bán dầu và khí đốt này để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt tài chính mà các cường quốc phương Tây đã áp dụng, thì Liên minh châu Âu - khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga, hiện đang vật lộn với thực tế rằng chi tiêu năng lượng của họ đã góp phần trao quyền cho tổng thống Putin thực hiện một cuộc chiến tranh ở biên giới.
Các nhà lãnh đạo EU đã nói về việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong nhiều năm. Tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã một lần nữa nhắc tới vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh của khối EU: "Với tư cách là Liên minh châu Âu, chúng ta đang mua rất nhiều dầu và khí đốt từ Nga. Và Tổng thống Putin đang lấy tiền từ chúng ta, từ người châu Âu để biến chúng thành cuộc xâm lược”.
Các biện pháp trừng phạt hiện nay đang được phương Tây và Mỹ áp dụng đã và đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhưng chúng vẫn chưa nhắm mục tiêu trực tiếp vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù vẫn lo ngại về việc giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt, nhưng cuối cùng, các lãnh đạo châu Âu vẫn muốn dòng khí đốt từ Nga tiếp tục chảy, bởi khó mà thay thế được nguồn cung cấp này.
Tất nhiên, các quốc gia châu Âu cũng đã lên kế hoạch để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Các biện pháp được xem xét bao gồm việc tìm kiếm các nguồn cung khí đốt khác và chuyển dần sang năng lượng xanh.
Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson mới đây cho biết khối này sẽ công bố kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đẩy nhanh việc áp dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn.
"Ngoài các biện pháp ngắn hạn, cuối cùng ... giải pháp lâu dài duy nhất là Thỏa thuận Xanh, thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhanh nhất có thể về mặt kỹ thuật. Chúng ta vẫn còn quá phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch", bà nói trong cuộc họp báo với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Đức, quốc gia đặt mục tiêu chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040, đã sửa đổi lại kế hoạch để hoàn thành mục tiêu sớm hơn 5 năm, do Nga tấn công Ukraine vào tuần trước.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng tạo ra câu hỏi về việc liệu thế giới có cần sử dụng nhiều năng lượng như hiện nay hay không?
Theo kế hoạch 10 điểm nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho rằng nếu tất cả các tòa nhà ở Liên minh châu Âu giảm nhiệt xuống chỉ 1 độ C, khối sẽ tiết kiệm được 10 tỷ m3 khí đốt. Đó gần bằng lượng khí đốt tự nhiên Thành phố New York tiêu thụ trong 3 tháng, hoặc lượng khí đốt Hungary tiêu thụ trong hơn 1 năm.
Ben McWilliams, một nhà phân tích khí hậu và năng lượng tại Bruegel cho biết một cách khác là thay thế khoảng một nửa lượng khí đốt từ Nga sang các nguồn khác. Mỹ đã vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu, và các quan chức EU cũng đang tìm kiếm nguồn cung từ các nước như Azerbaijan và Qatar.
Cũng theo ông McWilliams, một nửa lượng khí đốt còn lại sẽ đến từ việc cắt giảm nhu cầu, đặc biệt là khi châu Âu chuẩn bị cho mùa đông tới.
Các ngành công nghiệp nặng, như luyện thép và sản xuất hóa chất, sẽ cần phải giảm hoạt động của chúng. Chủ các tòa nhà sẽ phải đầu tư vào các tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt có thể giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống sưởi.
Tara Connolly, một nhà vận động của tổ chức phi chính phủ quốc tế Global Witness chuyên về khí đốt, nói rằng châu Âu phải khởi động một chương trình khẩn cấp để cách nhiệt cho các ngôi nhà, thay thế các lò hơi gas bằng máy bơm nhiệt và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Bà nói: “Rõ ràng là sự phụ thuộc vào khí đốt của châu Âu đã cung cấp cho ông Putin các nguồn lực để tham gia vào hoạt động của ông ta ở Ukraine, đồng thời cản trở phản ứng của châu Âu. Điều này đã cho thấy rằng không chỉ nhiên liệu hóa thạch đang phá hủy khí hậu, mà chúng đang góp phần tạo ra một thế giới đầy biến động và nguy hiểm hơn".
Xem thêm >> Mỹ - EU cân nhắc cấm dầu Nga, giá dầu vượt ngưỡng 130 USD/thùng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.