Cháy chung cư Carina Plaza: Đòn chí mạng vào nỗ lực ‘hồi sinh’ của Năm Bảy Bảy?

Huy Hùng - 23/03/2018 15:30 (GMT+7)

(VNF) – Dù Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch Vụ Hùng Thanh là chủ đầu tư chung cư Carina Plaza nhưng thực chất, doanh nghiệp đứng sau dự án này là Năm Bảy Bảy.

VNF
Doanh nghiệp đứng sau dự án Carina Plaza là Năm Bảy Bảy.

Theo tìm hiểu, chung cư Carina Plaza là một trong những dự án thuộc cụm dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy tại phường 16, quận 8, TP. HCM. Tổng mức đầu tư dự án là 927 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp đầu tư của Công ty Năm Bảy Bảy là 95%. Công ty TNHH Hùng Thanh chỉ góp 5% vốn.

Công ty Năm Bảy Bảy thành lập năm 2005 và niêm yết lên sàn chứng khoán năm 2007 với mã NBB. Từ 35 tỷ đồng, NBB tăng vốn lên 154 tỷ đồng.

Trên website của NBB nêu rõ: nhiệm vụ của Công ty TNHH Hùng Thanh là thay mặt Công ty Năm Bảy Bảy quản lý, điều hành và kinh doanh các dự án Carina Plaza, City Gate Towers tại phường 16, quận 8, TP. HCM. Đồng thời, Hùng Thanh cũng là công ty quản lý các dự án cao tầng của Công ty Năm Bảy Bảy.

NBB hiện tại sở hữu quỹ đất tương đối lớn, gần 370 ha, phân bổ trên 5 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án của NBB gặp phải bế tắc trong một thời gian dài.

Trước thời điểm lên sàn chứng khoán, NBB kinh doanh khá tốt và có dòng tiền lành mạnh nhờ hoạt động bán hàng tốt tại các dự án trung tâm thương mại (TTTM) Bắc Phan Thiết (Bình Thuận), khu dân cư phường 2 Bạc Liêu (Bạc Liêu) và khu căn hộ cao tầng Carina Plaza tại TP. HCM.

Sau khi lên sàn, NBB mạnh tay đầu tư vào các dự án lớn như City Gate Towers, NBB II, Dimond Plaza và Khu phức hợp Tân Kiên (NBB IV) tại TP. HCM. Tuy nhiên, tiến độ bán hàng tại các dự án của NBB khi đó chững lại trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NBB từ 2010-2014 liên tục là con số âm.

Trước sức ép lớn, NBB buộc phái hợp tác đầu tư với Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản. Cụ thể, ngày 9/9/2014, NBB và Creed Group ký kết hợp tác đầu tư dự án City Gate Towers, bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án. Tổng lãi phải trả cho trái phiếu phát hành cho Creed Group là 80% lợi nhuận từ dự án này.

Đồng thời, Creed Group mua 4,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ do NBB phát hành, mức giá đưa ra là 19.800 đồng/cổ phiếu và cam kết đầu tư vào 2 dự án NBB II, NBB III với tỷ lệ góp 50% vốn.

Về kết quả kinh doanh, do việc tái khởi động dự án City Gate từ năm 2014 nên suốt hai năm 2015 và 2016, NBB không có nhiều doanh thu phát sinh từ bất động sản, dù hoạt động bán hàng vẫn diễn ra tích cực. Trong thời gian này, hoạt động tài chính (thoái vốn, bán chứng khoán) chính là nguồn sống của công ty.

Từ quý II/2017, dự án City Gate bắt đầu bàn giao, giúp lãi ròng đạt hơn 45 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ năm trước. Đến quý III/2017, dự án này tiếp tục giúp NBB có lãi hơn 9 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng gần 55 tỷ đồng, gấp gần 24 lần cùng kỳ, qua đó thực hiện được 76% kế hoạch về lợi nhuận đề ra cả năm.

Cùng với đó, dòng tiền kinh doanh của NBB bắt đầu chuyển sang trạng thái dương, lên đến 415 tỷ đồng. Công ty cũng đã thanh toán gần 437 tỷ đồng nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2017.

Thế nhưng, vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra khiến NBB phải đối đầu với thử thách mới. Sáng 23/03, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của NBB đã giảm kịch sàn gần 7%, về vùng giá 23.750 đồng.

Cùng với đà lao dốc của NBB, nhóm cổ phiếu địa ốc đang bị ảnh hưởng khá mạnh. Điển hình như mã NVL của Tập đoàn Novaland cũng giảm 1.700 đồng xuống mức 80.100 đồng/cổ phiếu. SCR giảm 4,6% xuống 12.550 đồng/cổ phiếu. NLG giảm 1,4% xuống 34.300 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, DRH giảm 3,6% xuống mức 18.900 đồng/cổ phiếu. DXG giảm 3,4% xuống 36.900 đồng/cổ phiếu. LDG giảm 5,2% xuống 23.500 đồng/cổ phiếu. PDR giảm 2,3% xuống mức 38.500 đồng/cổ phiếu.

Theo các chuyên gia chứng khoán, dù chưa tạo ra cú sốc trên thị trường chứng khoán nhưng tâm lý của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.


Cùng chuyên mục
Tin khác