Chỉ thu được 66 triệu đồng mỗi ngày, nhà đầu tư dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản

Anh Minh - 04/07/2019 07:17 (GMT+7)

Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì – Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức BOT (cầu Văn Lang) vừa gia nhập danh sách các dự án BOT thiếu hụt doanh thu so với phương án tài chính đề ra.

VNF
Chỉ thu được 66 triệu đồng mỗi ngày, nhà đầu tư Dự án BOT cầu Văn Lang lo phá sản

Công ty TNHH BOT Phú Hà vừa gửi văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin tháo gỡ khó khăn đối với Dự án BOT cầu Văn Lang vượt sông Hồng, nối liền TP. Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết, kể từ khi Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn (4/1/2019) cho đến cuối tháng 6/2019, lưu lượng xe qua cầu Văn Lang rất thấp, đạt 45% -50% so với dự báo (lưu lượng thực tế là 1.459 xe/ngày đêm so với lưu lượng dự báo là 2.846 xe/ngày đêm). Điều này dẫn tới doanh thu bình quân toàn Dự án hiện chỉ đạt 66 triệu đồng/ngày đêm và dự kiến đạt khoảng 24 tỷ đồng cho cả năm 2019, bằng 43% so với phương án tài chính tại Hợp đồng BOT (150 triệu đồng/ngày đêm và 55 tỷ đồng/năm).

Nguồn thu thực tế này thậm chí chưa đáp ứng được 1/4 chi phí lãi vay, chưa nói gì đến việc chi trả vốn gốc. Theo tính toán sơ bộ của nhà đầu tư, trong trường hợp doanh thu không tăng hoặc tăng trưởng lưu lượng chậm; phí dịch vụ không tăng, Dự án lỗ lũy kế trung bình khoảng 75 tỷ đồng/năm và sẽ “vỡ phương án tài chính” ngay cả khi có được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kéo dài thời gian hoàn vốn.

Lãnh đạo Công ty TNHH BOT Phú Hà cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh thu Dự án bị hụt sâu là do phải áp dụng chế độ vé tháng, vé quý quá nhiều làm giảm khoảng 30% doanh thu so với vé lượt. Bên cạnh đó, lưu lượng xe qua cầu đã bị phân lưu bởi các tuyến phát sinh khác so với phương án tài chính như: cầu Việt Trì cũ đã miễn thu xe 9 chỗ trở xuống; xuất hiện tuyến đường tránh trạm thu phí BOT Hùng Thắng do tỉnh Phú Thọ đầu tư; hoàn thành nút giao IC7 trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

“Nếu tình hình không cải thiện không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án bị phá sản mà còn phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng tài trợ vốn”, ông Nghĩa lo ngại và kiến nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ có phương án hỗ trợ đặc biệt cho nhà đầu tư hoặc bố trí mua lại quyền thu phí của Dự án.

Cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường của huyện Ba Vì và phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với quốc lộ 32C thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP Việt Trì. Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.

Thông cầu Văn Lang, người dân ở Ba Vì và Việt Trì dọc theo sông Hồng không phải chờ phà hàng giờ để vượt sông. Thời gian đi ôtô từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến TP Việt Trì sẽ chỉ hơn một giờ, giảm một nửa so với trước.

Dự án BOT cầu Văn Lang có tổng mức đầu tư 1.462 tỷ đồng, giá trị quyết toán khoảng 1.140 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ là nhà đầu tư, được khởi công vào năm 2016, thông xe vào ngày 10/10/2018 và được Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí hoàn vốn từ ngày 1/4/2019. Mức thu của dự án được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 35 ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT. Mức thu các phương tiện theo 5 nhóm, nhóm thấp nhất là 35.000 đồng/vé/lượt và nhóm cao nhất là 185.000 đồng/vé/lượt. Thời gian thu vé dự kiến khoảng 19 năm 10 tháng.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác