Chile hủy đăng cai hội nghị APEC, Mỹ-Trung có ký thỏa thuận theo kế hoạch?

Minh Đăng - 31/10/2019 08:25 (GMT+7)

(VNF) - Ngay sau khi Chile thông báo rút đăng cai APEC, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn hy vọng sẽ ký kết được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những tuần tới theo đúng kế hoạch.

VNF
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 diễn ra tại Nhật Bản.

Tổng thống Chile Sebastian Piñera ngày 30/10 bất ngờ tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25) sắp tới do cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này.

Phát biểu từ điện La Moneda ở thủ đô Santiago. Tổng thống Pinera nhấn mạnh sau khi biểu tình kéo dài hơn 10 ngày, Chile đã quyết định rằng nước này không còn phù hợp để tổ chức Hội nghị APEC dự kiến diễn ra vào ngày 16-17/11 và COP 25 vào ngày 2-13/12 tại thủ đô Santiago.

"Đây là một quyết định rất khó khăn, một quyết định khiến chúng tôi rất đau đớn, vì chúng tôi rất hiểu tầm quan trọng của APEC và COP25 với Chile cũng như với thế giới", ông Pinera nói.

Tổng thống Chile Sebastian Piñera.

Trước đó, theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Chile trong tháng 11 tới.

Tuy nhiên việc Chile bất ngờ thông báo rút đăng cai APEC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch này.

Theo tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng ngày 30/10, Mỹ vẫn trông đợi hoàn tất Giai đoạn 1 của “thỏa thuận thương mại lịch sử” với Trung Quốc theo thời gian như dự tính. Phía Mỹ hiện chưa có thông tin về địa điểm thay thế cho nơi đăng cai APEC và cũng đang đợi thông tin từ phía ban tổ chức.

Người biểu tình trên đường phố Santiago, Chile.

Chile đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Piñera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, tạo cớ để các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.

Các cuộc biểu tình đã kéo dài 11 ngày, kèo theo bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp.

Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Xem thêm >> Điều tra luận tội Tổng thống Trump: Quan chức Ukraine từ chối tham gia làm chứng

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác