'Chính phủ chưa và không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu'
Bình An -
27/10/2018 20:16 (GMT+7)
(VNF) - “Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Thủ tướng chưa và sẽ không bao giờ chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ nhưng chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt. Chính phủ không có động thái nới lỏng kiểm soát lạm phát và sẽ điều hành chặt chẽ, cố gắng giảm lãi suất ở lĩnh vực ưu tiên” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Chiều 27/10, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được mời báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.
Giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu, nhưng ông cũng nhấn mạnh quan điểm phải phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ vừa qua đã có nhiều chương trình hành động quyết liệt, ghi nhận về sự chuyển biến rất rõ rệt về chất lượng tăng trưởng và đi đúng hướng
Điều này, theo Phó Thủ tướng, đã thể hiện rõ ở tăng trưởng toàn diện trong cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng cả chăn nuôi, tuỷ sản và nông nghiệp. Công nghiệp thì giảm dần sự phụ thuộc vào khai khác khoáng sản như dầu thô, than đá, trong khi công nghiệp chế biến phát triển nhanh. Dịch vụ thì du lịch có sự phát triển ấn tượng.
Phân tích thêm, Phó Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư, xuất khẩu mà đã chú trọng thị trường trong nước. Thị trường bán lẻ trong năm đều tăng trên hai con số và năm nay thị trường trong nước tương đương tăng xuất khẩu, khoảng 11,2%.
Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng gia tăng, bình quân 3 năm là 5,62%, vượt xa so với 5 năm trước và vượt mục tiêu 5% đặt ra trong nhiệm kỳ này. Cùng với đó hệ số ICOR tốt hơn, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên và có thứ hạng cao trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng tăng trưởng có tiến bộ nhưng chậm, chưa đáp ứng nhu cầu, còn yếu tố mà nếu không củng cố sẽ dẫn đến phát triển thiếu bền vững.
Cũng theo đánh giá của ông, chất lượng thể chế, kết cấu cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Chỉ số quản trị, đổi mới khoa học công nghệ còn thấp, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với nhiều nước trong khu vực còn thấp.
Đáng chú ý, năng suất lao động tăng chủ yếu do vốn, đầu tư, một phần phụ thuộc đầu tư nước ngoài; nguy cơ tụt hậu trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng cần lưu ý.
Nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, thời gian tới Chính phủ vẫn nhất quán chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, ban hành Chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, tăng cường cơ cấu kinh tế, đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh khu vực trong nước, để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; chọn lọc hơn đầu tư FDI, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Nêu những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ coi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu. Trong mục tiêu tổng quát có ý củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng. Trước sức ép lạm phát còn lớn, chúng ta cần tăng tính tự chủ, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực còn hạn chế.
“Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Thủ tướng chưa và sẽ không bao giờ chủ trương phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ nhưng chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt. Chính phủ không có động thái nới lỏng kiểm soát lạm phát và sẽ điều hành chặt chẽ, cố gắng giảm lãi suất ở lĩnh vực ưu tiên” – Phó Thủ tướng khẳng định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone