Chính phủ Đức ‘đau đầu’ vì nguồn cung than, dầu

Minh Nguyệt - 25/08/2022 16:40 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Đức hiện đang lo ngại về các nguy cơ có thể xảy ra với nguồn cung cấp than cho các nhà máy điện vào mùa thu và mùa đông tới do mực nước sông Rhine thấp kỷ lục. Thêm vào đó, dòng chảy dầu ở các vùng phía đông của đất nước cũng sẽ bị hạn chế trong bối cảnh Berlin cố gắng cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

VNF
Hình ảnh các cơ sở công nghiệp của nhà máy lọc dầu PCK Raffinerie ở Schwedt, Đức, ngày 9/5/2022. Công ty nhận dầu thô từ Nga qua đường ống 'Friendship'.

Theo Reuters, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, quá trình này kết hợp cùng nhiều bất ổn trong lĩnh vực năng lượng của Berlin đang khiến giới chức nước này ngày càng đau đầu và đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Đức.

Cụ thể, ngoài những bất ổn tiềm tàng đến từ nguồn cung năng lượng của Nga, mực nước sông Rhine thấp đến mức nghiêm trọng trong nhiều tuần đã làm gián đoạn công tác hậu cần và hoạt động vận chuyển than trên con sông này. Trong khi đó, ngành công nghiệp Đức lại đang trong thời kỳ phải sử dụng nhiều than và dầu hơn do nhập khẩu năng lượng từ Moscow giảm mạnh.

Theo một tài liệu có tựa đề "Đánh giá cung cấp năng lượng" do Bộ Kinh tế Đức soạn thảo, việc giảm vận chuyển than bằng đường sông có thể dẫn tới lượng than tích trữ để sản xuất điện cho mùa thu, đông tới giảm mạnh.

"Các địa điểm lưu trữ bổ sung ở miền nam nước Đức có thể sẽ không được lấp đầy vào mùa đông", báo cáo cho biết, đề cập tới bang Baden-Wuerttemberg phía tây nam, nơi có nhà điều hành nhà máy điện EnBW, công ty tiện ích lớn thứ 3 tại Đức.

Trong khi hệ thống vận chuyển đường thuỷ gặp khó khăn, thì hệ thống đường sắt vốn đã quá tải từ lâu của Đức cũng không thể hỗ trợ được nhiều, dù mới đây Nội các Đức đã thông qua luật ưu tiên vận chuyển năng lượng trên mạng lưới đường sắt trong nước.

Ngoài nguồn cung than, nguồn cung dầu có thể trở thành vấn đề ở các khu vực đông bắc nước Đức, theo tài liệu từ Bộ Kinh tế. Theo đó, các nhà máy lọc dầu Schwedt và Leuna sẽ ngưng nhập dầu từ các đường ống dẫn dầu của Nga từ cuối năm nay do lệnh cấm vận dầu của EU và điều này chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn.

Cả 2 nhà máy lọc dầu Leuna và Schwedt đều có thể chạy với 75% công suất, trong đó Schwedt cung cấp cho các khu vực lớn của miền đông nước Đức, bao gồm cả sân bay Berlin. Nỗ lực cung cấp các sản phẩm lọc dầu cho các khu vực này cũng có thể gặp gián đoạn do tắc nghẽn đường sắt.

Tài liệu cho biết: "Nhu cầu tăng cao và trong khi năng lực vận chuyển hạn chế trong vận tải hàng hóa đường sắt đang dẫn đến nhiều thách thức trong lĩnh vực hậu cần dầu mỏ. Một số sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu khó mà được di chuyển tới nơi cần thiết”.

Có thể thấy, trong khi các vấn đề ngoại sinh như nguồn cung từ Nga phần nào khiến Đức rơi vào tình trạng khan hiếm năng lượng, thì các vấn đề nội sinh như khó khăn trong việc vận chuyển và phân bổ sản phẩm từ than, dầu mới đang thực sự đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu tới một kết cục tồi tệ nếu chính phủ Đức không nhanh chóng có phương án giải quyết.

Xem thêm >> Mất niềm tin vào Nga, Đức quyết không khơi thông Dòng chảy phương Bắc 2

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác