Chính phủ Pháp chi gần 100 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023 để đối phó lạm phát

Nam Vu - 12/10/2022 14:19 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao kỷ lục, chính phủ Pháp đã có loạt động thái mới nhằm kiếm chế sự gia tăng chi phí đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế khu vực.

Thay vì tăng lãi suất, Pháp đã quyết định sử dụng ngân sách chính phủ để hỗ trợ người dân đối phó tình trạng lạm phát tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây đã tuyên bố: "Trong giai đoạn phát triển 2021-2023, chúng ta sẽ chi 100 tỷ euro (tương đương 97 tỷ USD) để hỗ trợ người dân ứng phó với tình trạng giá cả leo thang".

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maireption cho biết chính phủ Pháp sẽ chi 97 tỷ USD để đối phó lạm phát.

Trên thực tế, trong những tháng vừa qua, lãi suất tại Pháp thậm chí còn giảm nhẹ. Cơ quan Thống kê Quốc gia Pháp INSEE đã công bố mức tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm từ 6,6% xuống 6,2% vào tháng 9. Diễn biến này trái ngược so với mức dự báo mà các nhà kinh tế học đưa ra là sẽ tăng nhẹ lên 6,7%.

Tuy lạm phát đang được kiểm soát tốt ở Pháp, nhưng chính phủ nước này vẫn phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng xăng dầu, khi nguồn cung hạn chế tại các trạm xăng trên cả nước.

Cuộc đình công của công nhân thuộc các công ty năng lượng lớn như TotalEnergies và Esso-ExxonMobil đã bước sang ngày thứ 15 (tính đến ngày 11/10), khiến 50% số nhà máy lọc dầu tại Pháp ngừng hoạt động và sản lượng xăng bị cắt giảm tới 60%, tương đương 740.000 thùng/ngày.

Không chỉ Pháp, các nền kinh tế  Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) cũng đang gặp khó khăn trong bối cảnh giá cả hàng hóa, đặc biệt là năng lượng leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, lên mức 1,25% - mức cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh tình hình lạm phát hiện nay là nguyên nhân khiến ECB đưa ra quyết định nâng lãi suất chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, bà Christine Lagarde cũng cho biết ECB sẽ cân nhắc thận trọng động thái trong các cuộc họp tiếp theo.

Giá năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa khác tăng vọt đã khiến ECB nâng mức dự báo lạm phát trung bình cả năm nay lên 8,1% đối với khu vực Eurozone.

Xem thêm >> IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, cảnh báo 'điều tồi tệ nhất đang đến'

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác