Tài chính quốc tế

Chính quyền ông Biden cam kết ủng hộ các nước trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông

(VNF) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời sát cánh với các nước Đông Nam Á nhằm chống lại sức ép từ Bắc Kinh.

Chính quyền ông Biden cam kết ủng hộ các nước trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin.

Trong tuyên bố phát ra cùng ngày của Bộ Ngoại giao Mỹ, bộ này nêu rõ: "Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ chung và việc áp dụng hiệp ước này liên quan đến những hành động tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang của Philippines, tàu biển hoặc máy bay ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông”.

Cũng theo tuyên bố, tân Ngoại trưởng Blinken lưu ý rằng “Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải ở Biển Đông trong phạm vi vượt ra ngoài các vùng biển mà Trung Quốc được phép tuyên bố theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cam kết Washington sẽ sát cánh cùng với các nước Đông Nam Á đối phó với sức ép từ Trung Quốc.

Washington từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ với các quốc gia trong khu vực bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ở động thái liên quan mới nhất, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/1 cũng tuyên bố rằng chính quyền của ông cam kết bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản, bao gồm vấn đề về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Theo đó, các đảo tranh chấp sẽ được Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật bảo vệ.

Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 8 được tổ chức tháng 11 năm ngoái, ASEAN hoan nghênh Mỹ đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mong Mỹ ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến ngày 27/1, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói rằng việc Mỹ xem Trung Quốc là đổi thủ chiến lược là đánh giá sai lầm về mặt chiến lược.

Ông Thôi tái khẳng định quan điểm lâu dài của Bắc Kinh là muốn hợp tác, không đối đầu và kêu gọi hai bên giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định thêm rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Xem thêm >> Loạt ứng dụng bị chặn vĩnh viễn, Trung Quốc ‘tố’ Ấn Độ vi phạm nguyên tắc của WTO

Tin mới lên