(VNF) - BIDV đến nay đã có thể dần trở lại đường đua lợi nhuận, trong bối cảnh 2 "đàn em" VPBank và Techcombank đang đuổi sát nút; và hoàn toàn có thể tạo ra "cú bật nhảy" xa hơn, tạo "thế đua" mới với ngay cả Vietcombank và VietinBank nếu hoàn tất tăng vốn và bầu Chủ tịch mới.
Năm 2017 có thể coi là một năm đặc biệt với BIDV khi ngân hàng này vận hành mà không có Chủ tịch. Dù thiếu vắng "người cầm trịch" nhưng năm qua vẫn là một năm thành công với BIDV xét trên nhiều phương diện, cả trong việc xử lý những "vết thương" mà người tiền nhiệm để lại lẫn việc duy trì sức khỏe tài chính và phát triển hoạt động kinh doanh.
Báo cáo tài chính mới nhất của BIDV ghi nhận 8.801 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, tăng 14,2% so với năm 2016. Đây là mức tăng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hàng năm BIDV phải trích lập dự phòng với khoản tiền rất lớn để xử lý nợ xấu tồn đọng. Xét trong nhóm "Big 4", mức tăng lợi nhuận này thậm chí còn cao hơn "người anh em" VietinBank vốn chỉ tăng 8,9%; lợi nhuận cũng chỉ kém VietinBank khoảng 400 tỷ đồng.
Đi sâu hơn vào tình hình kinh doanh, có thể thấy BIDV vẫn giữ được vị thế "ông lớn" trong hệ thống ngân hàng, trong khi vẫn duy trì được cơ cấu kinh doanh khá tích cực.
Tổng thu nhập năm 2017 của BIDV lên đến 39.085 tỷ đồng, cao hơn hẳn VietinBank (32.619 tỷ đồng) và Vietcombank (29.403 tỷ đồng). Có thể lý giải ngay là do thị phần BIDV lớn nhất hệ thống ngân hàng. Tổng tài sản của BIDV hiện lên đến trên 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó trên 1 triệu tỷ đồng là các khoản cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư.
Mặc dù tổng thu nhập cao nhất hệ thống nhưng BIDV lại không quá phụ thuộc vào hoạt động tín dụng – đầu tư. Năm 2017, thu nhập lãi thuần từ hoạt động này của BIDV đạt 31.022 tỷ đồng, chiếm 79% tổng thu nhập; đồng nghĩa hoạt động phi tín dụng chiếm tới 21% tổng thu nhập. Con số này thấp hơn Vietcombank (75%) nhưng cao hơn VietinBank (83%).
2 hoạt động phi tín dụng đem về lãi thuần nhiều nhất cho BIDV – đều cao hơn Vietcombank và VietinBank - là hoạt động dịch vụ (2.987 tỷ đồng) và hoạt động khác (3.279 tỷ đồng). Theo nhiều nguồn tin, việc hoạt động khác của BIDV ghi nhận lợi nhuận lớn chủ yếu là do diễn biến tích cực từ hoạt động thu hồi nợ xấu ngoại bảng.
Không chỉ tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính của BIDV cũng được cải thiện rõ trong năm 2017.
Với việc trích lập dự phòng tới gần 15.000 tỷ trong năm qua (cao hơn cả của Vietcombank và VietinBank cộng lại), tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến hết ngày 31/12/2017 của BIDV đã giảm cả về giá trị tuyệt đối (giảm 479 tỷ, xuống còn 13.950 tỷ) và giá trị tương đối (giảm 0,38 điểm%, xuống còn 1,61%).
Hiện BIDV chưa công bố chi tiết tình hình các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, tuy nhiên theo ước tính, năm qua, BIDV đã trích lập dự phòng tới hơn 4.000 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này, nghĩa là lượng nợ xấu tại VAMC của BIDV hiện hoàn toàn có thể giảm xuống dưới 12.000 tỷ (cuối năm 2016, nợ xấu tại VAMC của BIDV là 15.476 tỷ đồng). Nếu vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng tại VAMC của BIDV đã giảm xuống dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Kể cả nếu vẫn trên 3%, việc giảm về dưới mức 3% trong quý I/2018 là "trong tầm tay" của BIDV.
Nợ xấu của BIDV đang có chuyển biến tích cực
Về huy động vốn, BIDV cũng đạt thành tựu đáng kể trong việc huy động vốn rẻ. Năm 2017, lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại BIDV lên đến 59.465 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm cuối năm 2016. Lượng tiền gửi khách hàng không kỳ hạn cũng tăng mạnh 28,2%, đạt 160.205 tỷ; chiếm 18,6% tổng tiền gửi khách hàng, tăng 1,6 điểm% sau một năm.
"Vết thương" nợ xấu đang dần lành, sức khỏe tài chính tốt lên, thị phần kinh doanh vẫn được duy trì, BIDV đến nay đã có thể dần trở lại đường đua lợi nhuận, trong bối cảnh 2 "đàn em" VPBank và Techcombank đang đuổi sát nút.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. BIDV hoàn toàn có thể tạo ra "cú bật nhảy" xa hơn, tạo "thế đua" mới với ngay cả Vietcombank và VietinBank trên đường đua lợi nhuận nếu thực hiện được 2 điều trong năm 2018: bầu Chủ tịch mới và tăng vốn thành công.
Với một ngân hàng lớn như BIDV, hẳn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không để "trống" chức danh Chủ tịch tại đây quá lâu nên việc bầu Chủ tịch mới trong năm 2018 là khả thi.
Về tăng vốn, với "room" ngoài Nhà nước còn tới 30% vốn điều lệ, BIDV đang không gặp nhiều cản trở trong việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Vấn đề hiện tại chỉ là BIDV bán cổ phần với giá bao nhiêu.
(VNF) - Lô đất từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Minh Tảo, quận Bắc Từ Liêm mới đây đã có những chuyển động mới. Nhiều người quan tâm liệu có phải chủ mới đã tiếp quản và làm dự án mới.